Thẩm quyền giữa trung tâm trọng tài và hội đồng trọng tài trong quá trình tố tụng được phân định như thế nào?

17/01/2024
Trung tâm Trọng tài và Hội đồng Trọng tài do Trung tâm thành lập là hai thực thể khác nhau và giữ vai trò khác nhau trong quá trình tố tụng trọng tài. Vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của hai thực thể này được qui định trong Luật TT. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, không ít các vấn đề nảy sinh chưa có được cách xử lý thống nhất. Trước khi tìm hiểu về cách xử lý, hãy phân tích thẩm quyền của hai thực thể này về mặt lý luận.

1. Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài

Khác với tòa án, Hội đồng trọng tài không phải là tổ chức có tư cách pháp nhân. Hội đồng trọng tài được thành lập cho mỗi vụ việc chỉ hình thành sau khi quá trình lựa chọn trọng tài được thực hiện và được trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cụ thể mà các bên tin cậy giao phó. Thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ của hội đồng trọng tài xuất phát từ sự thống nhất ý chí của các bên và dựa vào luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài, luật nơi giải quyết tranh chấp, và luật nơi công nhận và thi hành phán quyết trọng tài. Theo Redfern and Hunter trong cuốn Trọng tài quốc tế. Hội đồng Trọng tài có các quyền chung sau đây:

  • Tiến hành tố tụng trọng tài một cách hợp lý;
  • Quyết định luật áp dụng và địa điểm giải quyết tranh chấp;
  • Quyết định về ngôn ngữ của trọng tài;
  • Thu thập tài liệu, chứng cứ (document production);
  • Yêu cầu người làm chứng;
  • Xác nhận lời khai của người làm chứng;
  • Kiểm tra các vấn đề của vụ tranh chấp;
  • Chỉ định chuyên gia;
  • Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Thu xếp đảm bảo tài chính cho chi phí trọng tài;

2. Thẩm quyền của trung tâm trọng tài

Trung tâm trọng tài tổ chức được thành lập nhắm đảm bảo hỗ trợ và trợ giúp việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Mặc dù trung tâm trọng tài có chức năng quản lý, giám sát quá trình tố tụng trọng tài, nhưng trung tâm trọng tài không quyết định tranh chấp giữa các bên. Việc giải quyết tranh chấp là nhiệm vụ của hội đồng trọng tài đã được các bên lựa chọn cho tranh chấp cụ thể đó. Nhiệm vụ của trung tâm trọng tài là để hỗ trợ hội đồng trọng tài.

Thẩm quyền của trung tâm trọng tài không chỉ xuất phát từ quy định của pháp luật, quy tắc và điều lệ của trung tâm trọng tài mà còn từ khi đơn khởi kiện được Trung tâm thụ lý. Trung tâm trọng tài có trách nhiệm thực hiện các chức năng như là xem xét về sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài dựa trên những bằng chứng ban đầu trong hồ sơ khởi kiện (prima facie), hỗ trợ các bên lựa chọn, thay đổi trọng tài viên.

Ví dụ Điều 1 khoản 2, quy tắc ICC, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2012 quy định:

Tòa trọng tài không tự mình giải quyết tranh chấp. Nó quản lý việc giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài phù hợp với quy tắc trọng tài ICC. Tòa trọng tài chỉ là cơ quan được ủy quyền để quản lý việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo Quy tắc này, bao gồm cả việc kiểm tra và phê chuẩn phán quyết được ban hành phù hợp với quy tắc này

Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) lại có chức năng “liên lạc với các trọng tài viên, các bên tranh chấp và các đại diện ủy quyền của họ, theo dõi lịch trình và thời hạn đê nộp các bản đệ trình, thu xếp cơ sở vật chất cho phiên họp và các vấn đề khác để tạo điều kiện cho việc tiến hành trọng tài diễn ra suôn sẻ.

3. Xác định thẩm quyền của Hội đồng trọng tài và Trung tâm trọng tài trong pháp luật và thực tiễn quốc tế

3.1. Thẩm quyền của trung tâm trọng tài

Thẩm quyền của mỗi trung tâm trọng tài, Hội đồng trọng tài tại mỗi trung tâm được quy định khác nhau do ảnh hưởng từ các yếu tố như xã hội, hoàn cảnh kinh tế và hệ thống pháp luật tại quốc gia nơi thành lập trung tâm trọng tài. Tuy nhiên, có hai trường phái liên quan về thẩm quyền của trung tâm trọng tài.

  • Trường phái chú trọng tăng cường sự kiểm soát của tổ chức trọng tài đối với tố tụng trọng tài. Trường phái này thịnh hành ở Tòa trọng tài của Phòng thương mại quốc tế (ICC) và Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC).
  • Trường phái dành ưu tiên cho tính chủ động của hội đồng trọng tài và giới hạn tổ chức trọng tài ở các chức năng hành chính - văn phòng. Trường phái này phát triển tại Tòa trọng tài quốc tế London (LCIA), Hiệp Hội trọng tài Mỹ (AAA)

Luật trọng tài mẫu của UNCITRAL, quy tắc của Hiệp hội trọng tài thương mại Nhật Bản (JCAA) cho phép các bên tự do lựa chọn số lượng trọng tài viên tham gia giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, HKIAC và ICC giới hạn số lượng trọng tài viên là 1 hoặc 3. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về số lượng trọng tài viên thì tranh chấp sẽ do trọng tài viên duy nhất giải quyết trừ khi Ban thư ký của SIAC hoặc Tòa trọng tài ICC nhận thấy vụ việc cần 3 trọng tài viên.

Khi nảy sinh vấn đề về sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền của trọng tài, Tổng thư ký Tòa trọng tài ICC có thể yêu cầu Tòa trọng tài do ICC thành lập quyết định liệu có tiếp tục tiến hành tố tụng trọng tài và phạm vi tố tụng trọng tài trong trường hợp đó. Tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành nếu Tòa trọng tài ICC qua xem xét sơ bộ (prima facie) xác định có thỏa thuận trọng tài theo Quy tắc trọng tài ICC. Quy tắc ICC có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 quy định rõ hơn hai trường hợp thuộc thẩm quyền này của Tòa trọng tài ICC là khi có nhiều hơn hai bên tham gia tố tụng và khi có nhiều hơn một thỏa thuận trọng tài.

Quy tắc trọng tài của HKIAC, JCAA, LCIA đều không yêu cầu Trung tâm trọng tài kiểm tra và chấp thuận phán quyết trước khi ban hành. Trong khi đó, theo quy tắc của ICC, trước khi kí vào phán quyết, Hội đồng trọng tài sẽ đệ trình bản dự thảo phán quyết cho Tòa trọng tài ICC. Tòa trọng tài có thể đưa ra một số sửa chữa về hình thức của phán quyết và cũng có thể lưu ý một số nội dung nhưng không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của quyết định của Hội đồng trọng tài. Không một phán quyết nào được ban hành bởi Hội đồng trọng tài nếu không có sự chấp thuận của Tòa trọng tài về mặt hình thức. Đây là một trong các cơ chế của ICC nhằm tránh các sai sót về hình thức phán quyết dân tới rủi ro hủy phán quyết của ICC. Quy tắc trọng tài của SIAC cũng có quy định tương tự.

3.2. Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài

Ngay sau khi thành lập, Hội đồng trọng tài quốc tế, đặc biệt là Hội đồng trọng tài của Toà trọng tài ICC thường xác định rõ các vấn đề mà Hội đồng trọng tài sẽ phải quyết định, các vấn đề tố tụng trước khi giải quyết nội dung cụ thể của tranh chấp. Điều này được thể hiện rõ trong Điều khoản tham chiếu (Terms of reference) hay trong các Yêu cầu tố tụng (Procedural Orders). Hạng mục công việc của Hội đồng trọng tài của ICC đưa ra sau khi tham vấn các bên tranh chấp bao gồm:

  • Xác định các vấn đề yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết trong vụ kiện;
  • Xem xét và quyết định về địa điểm giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài, luật nội dung (substantive law) áp dụng cho giải quyết nội dung tranh chấp;
  • Xác định thời hiệu khởi kiện, điều kiện khởi kiện, xác định tư cách của các bên;
  • Giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định của Quy tắc tố tụng trọng tài. Nếu không có quy định cụ thể trong Luật tố tụng trọng tài hay Quy tắc tố tụng của Trung tâm thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định về việc tiến hành tố tụng sau khi tham vấn các bên.
  • Thiết lập một thời gian biểu cho tố tụng trọng tài, ấn định ra các thời hạn tố tụng cụ thể;
  • Ban hành các yêu cầu về mặt tố tụng: yêu cầu về hình thức các văn bản, tài liệu trao đổi được đệ trình; các yêu cầu về hình thức, phương thức đánh giá và thu thập chứng cứ, lời khai của nhân chứng, ý kiến của chuyên gia; cách thức tiến hành phiên họp, yêu cầu đối với vấn đề biên dịch phiên dịch các tài liệu; Cách thức gửi tài liệu và thông báo cho các bên tranh chấp;
  • Ban hành các quyết định về các vấn đề dưới dạng phán quyết một phần hoặc từng phần, quyết định về áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Việc xác định các vấn đề này sẽ tạo điều kiện cho tố tụng trọng tài diễn ra thuận lợi, phù hợp với Quy tắc tố tụng, giúp Hội đồng trọng tài tránh việc vượt quá thẩm quyền.

4.Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài và Trung tâm trọng tài trong pháp luật và thực tiễn Việt Nam

Luật trọng tài thương mại Việt Nam 2010 không quy định cụ thể về vấn đề thẩm quyền của trung tâm trọng tài. Tuy nhiên, chương IV của LTTTM có quy định chức năng của trung tâm trọng tài tại Điều 23, Điều 28 Luật TTTM. “Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế và hỗ trợ trọng tài viên về mặt hành chính, văn phòng, và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.”(Điều 23).

Khác với Trung tâm, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài được qui định chi tiết trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Bảng so sánh dưới đây hữu ích cho trọng tài viên.

Hội đồng trọng tài

Trung tâm trọng tài

  • Thẩm quyền xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền giải quyết vụ việc của Hội đồng Trọng tài (Điều 43);
  • Thẩm quyền xác minh sự việc của Hội đồng Trọng tài (Điều 45);
  • Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài về việc triệu tập người làm chứng (Điều 46 và Điều 48);
  • Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 49);
  • Thẩm quyền tiến hành tố tụng trọng tài khác mà các bên không có thỏa thuận hay Quy tắc của Trung tâm trọng tài không quy định;
  • Thẩm quyền giải quyết các vấn đề khác liên quan đến vụ tranh chấp được các bên yêu cầu.
  • Xây dựng điều lệ và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài phù hợp với những quy định của Luật TTTM 2010;
  • Xây dựng tiêu chuẩn Trọng tài viên và quy trình xét chọn, lập danh sách Trọng tài viên, xóa tên Trọng tài viên trong danh sách Trọng tài viên của tổ chức mình.
  • Gửi danh sách Trọng tài viên và những thay đổi về danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp để công bố;
  • Chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài trong những trường hợp quy định tại Luật TTTM 2010;
  • Cung cấp dịch vụ trọng tài, hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác theo quy định của pháp luật;
  • Cung cấp các dịch vụ hành chính, văn phòng và các dịch vụ khác cho việc giải quyết tranh chấp;
  • Thu phí trọng tài và các khoản hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động trọng tài;
  • Trả thù lao và các chi phí khác cho Trọng tài viên; tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp cho Trọng tài viên;
  • Báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của Trung tâm trọng tài với Sở Tư pháp nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động;
  • Lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao quyết định trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;



Bài viết liên quan
Ưu điểm và nhược điểm của các quy định về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam
20/01/2024
Tại Việt Nam, pháp luật điều chỉnh về trọng tài thương mại – những cơ sở pháp lý cơ bản để thiết lập và phát triển phương thức giải quyết bằng trọng tài, đang từng bước được hoàn thiện, hướng tới xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nội dung tham luận dưới đây góp phần làm rõ thực trạng pháp luật trọng tài hiện nay, trước hết là pháp luật về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam.
Điều kiện và thủ tục thi hành phán quyết trọng tài của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
19/01/2024
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu hóa và giao lưu thương mại, nhu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam cũng bắt đầu tăng theo. Các vấn đề pháp lý liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Địa Điểm Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài
18/01/2024
Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không nhất thiết phải là nơi sẽ tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp, kể cả nơi tổ chức phiên họp ra phán quyết.
Quy trình và thủ tục cần thiết để thi hành phán quyết trọng tài ở Việt Nam
18/01/2024
Với những ưu việt của thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài Thương mại, ngày càng có nhiều chủ thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài. Theo đó ngày càng nhiều phán quyết Trọng tài được đưa ra thi hành.
Vai trò của Tòa án trong việc giám sát, kiểm tra Trọng tài
06/01/2024
Vai trò của Tòa án đối với Trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam là một vấn đề quan trọng để xác định vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Tòa án với Trọng tài, từ đó phân định được thẩm quyền xét xử của Tòa án và Trọng tài, đảm bảo không có sự lạm dụng “quyền lực công” của Tòa án mà lấn át “quyền lực tư” của Trọng tài; mặt khác, giúp cho Trọng tài luôn soi xét lại mình trong việc thực thi nhiệm vụ.
Vai trò của tòa án đối với trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế
06/01/2024
Trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình, Tòa án luôn độc lập với Trọng tài nhưng trong hoạt động của Trọng tài thì không thể thiếu được vai trò hỗ trợ, trợ giúp; giám sát, kiểm tra từ phía Tòa án

0965996583