So sánh cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Tòa án và cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại

06/11/2023
Toà án và trọng tài thương mại là các thiết chế tài phán kinh tế ở Việt Nam hiện nay, đều có chức năng giải quyết tranh chấp thương mại phát sinh trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, mỗi thiết chế có những đặc trưng riêng. Bài viết tập trung làm sáng tỏ những đặc trưng về tổ chức, về thủ tục tố tụng của trọng tài thương mại trong mối quan hệ so sánh với toà án nhân dân, qua đó góp phần giúp các thương nhân có sự lựa chọn hình thức tài phán thích hợp.

1. Các đặc trưng về tổ chức của trọng tài thương mại.

Thứ nhất, trọng tài thương mại là tổ chức xã hội – nghề nghiệp

Khác biệt cơ bản với tòa án nhân dân – cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, trọng tài thương mại tồn tại với tư cách là tổ chức xã hội-nghề nghiệp, không nằm trong hệ thống các cơ quan quản lí nhà nước và cũng không phải là cơ quan tài phán tư pháp. Trung tâm trọng tài thương mại là tổ chức xã hội-nghề nghiệp của các thương nhân, được thành lập để giải quyết các tranh chấp thương mại, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi cho các thương nhân. Tổ chức trọng tài không là cơ quan nhà nước như trọng tài kinh tế trước đây, không trực tiếp chịu sự can thiệp của Nhà nước về tổ chức, nhân sự, tài chính. Chính vì vậy, trọng tài thương mại còn được gọi là trọng tài phi chính phủ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, dù có tên gọi là tổ chức phi chính phủ, không được Nhà nước thành lập và không đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước nhưng hoạt động của các trung tâm trọng tài thương mại vẫn chịu sự chi phối của Nhà nước ở những mức độ nhất định. Nhà nước thực hiện sự chi phối này thông qua hệ thống pháp luật do Nhà nước ban hành. Các trung tâm trọng tài hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật như các tổ chức xã hội nghề-nghiệp khác.

Thứ hai, các trung tâm trọng tài thương mại tồn tại và hoạt động độc lập, bình đẳng với nhau

Ngoài sự độc lập về tổ chức và tài chính đối với Nhà nước, các trung tâm trọng tài độc lập với nhau, giữa chúng không có mối quan hệ trực thuộc mà chỉ có quan hệ hợp tác. Các trung tâm đều có vị trí bình đẳng cho dù đó là trọng tài trong nước hay quốc tế, là trọng tài được thành lập từ lâu, có uy tín trên thương trường hay trọng tài mới được thành lập, chưa nhiều người biết đến. Khi có tranh chấp xảy ra, các đương sự có thể yêu cầu bất kì trung tâm trọng tài nào đứng ra giải quyết tranh chấp; mọi phán quyết của các trung tâm trọng tài đều có giá trị pháp lí như nhau. Tuy nhiên, quy tắc tố tụng và mức thu lệ phí trọng tài là những nội dung thường có sự quy định khác nhau ở các trung tâm trọng tài.

Thứ ba, cơ cấu tổ chức của trọng tài thương mại gọn nhẹ

Cơ cấu tổ chức của mỗi trung tâm trọng tài thường gọn nhẹ và linh hoạt. Nếu là trọng tài ad-hoc thì hội đồng trọng tài tối đa cũng chỉ gồm 3 trọng tài viên, còn trọng tài thường trực (trọng tài quy chế) thì cơ cấu tổ chức cũng chỉ có bộ phận thường trực (gồm chủ tịch, phó chủ tịch, ban thư kí) và danh sách trọng tài viên. Trong trường hợp trọng tài được tổ chức dưới hình thức công ti thì tổ chức của nó cũng gọn nhẹ hơn nhiều so với cơ cấu tổ chức của công ti kinh doanh. Kinh phí hoạt động của trung tâm trọng tài được lấy từ các khoản thu của trung tâm, các khoản thu và mức thu của các khoản đó do chính trung tâm trọng tài quyết định.

Thứ tư, trọng tài viên ở các trung tâm trọng tài thương mại Hoạt động giải quyết tranh chấp ở các trung tâm trọng tài được tiến hành bởi đội ngũ trọng tài viên.

Khác với thẩm phán ở các cơ quan toà án (là các công chức nhà nước), trọng tài viên ở các trung tâm trọng tài thương mại không là công chức, viên chức nhà nước. Viên chức nhà nước có thể là trọng tài viên ở các trung tâm trọng tài thương mại khi họ có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật cũng như quy định về tiêu chuẩn trọng tài viên ở các trung tâm trọng tài cụ thể và được trung tâm trọng tài đưa vào danh sách trọng tài viên của trung tâm trọng tài thương mại đó. Tuy nhiên, khi họ hoạt động tại trung tâm trọng tài không được lấy tư cách là viên chức nhà nước và không được hưởng các quyền và gánh chịu các nghĩa vụ của viên chức nhà nước. Các trọng tài viên được trả thù lao cho từng vụ việc. Họ có thể làm việc tại trung tâm theo chế độ thường xuyên hoặc theo chế độ khác.

Thứ năm, các trung tâm trọng tài thương mại có quy tắc tố tụng riêng

Khác với toà án (tất cả các toà án nhân dân tỉnh, thành, quận, huyện, khi giải quyết tranh chấp đều dựa trên cơ sở Bộ luật tố tụng dân sự), mỗi trung tâm trọng tài thương mại đều có bản quy tắc tố tụng riêng. Quy tắc tố tụng của mỗi trung tâm trọng tài thương mại có thể sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo từng thời kì. Bản quy tắc tố tụng của từng Trung tâm trọng tài thương mại quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp phù hợp với Trung tâm trọng tài của mình. Mặc dù có những đặc thù riêng của mỗi Trung tâm trọng tài thương mại nhưng các bản quy tắc tố tụng đó đều được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong bản quy tắc trọng tài của Uỷ ban luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL).

Thứ sáu, trọng tài thương mại hoạt động dưới sự hỗ trợ của cơ quan tư pháp

Khác với nhiều tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khác, trọng tài thương mại tồn tại và hoạt động luôn cần có được sự hỗ trợ của Nhà nước; nếu không có sự hỗ trợ đó thì hoạt động của trọng tài thương mại sẽ không hiệu quả, thậm chí là không thể tồn tại. Nhà nước cần coi sự hỗ trợ đối với trọng tài thương mại là trách nhiệm của mình, bởi lẽ bằng hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại (hoạt động chính) của trọng tài thương mại thực chất đang “chia sẻ” gánh nặng giải quyết tranh chấp trong kinh doanh với Nhà nước. Mặt khác, khi giải quyết tranh chấp, trọng tài thương mại sẽ đưa ra các phán quyết và nếu các phán quyết đó không được các bên tự nguyện thi hành và không có sự cưỡng chế thi hành từ phía Nhà nước thì chắc chắn hoạt động của trọng tài sẽ không có hiệu quả và uy tín của trọng tài thương mại đối với các bên có tranh chấp gần như bằng không. Trên thực tế, pháp luật về trọng tài thương mại ở Việt Nam trong giai đoạn đầu (theo Nghị định số 116/CP) đã không những không có quy định về sự hỗ trợ của cơ quan tư pháp đối hoạt động của các trung tâm trọng tài kinh tế, mà còn có những quy định “vô hiệu hoá” các quy định khác của Nghị định này. Sự hỗ trợ của các cơ quan tư pháp đối với trọng tài thương mại chỉ bắt đầu được ghi nhận trong Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, tuy nhiên sự hỗ trợ của toà án vẫn còn hạn chế. Chỉ đến khi có Luật trọng tài thương mại năm 2010, sự hỗ trợ của các cơ quan tư pháp đối với trọng tài thương mại mới được quy định tương đối đầy đủ. Theo Luật trọng tài thương mại năm 2010, các hình thức hỗ trợ của cơ quan tư pháp đối với trọng tài thương mại gồm:

1) Toà án từ chối giải quyết tranh chấp khi giữa các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài;

2) Toà án chỉ định, thay đổi trọng tài viên đối với trọng tài vụ việc;

3) Toà án xem xét thoả thuận trọng tài, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài;

4) Toà án hỗ trợ việc thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời;

5) Toà án hỗ trợ trong việc huỷ phán quyết trọng tài;

6) Cơ quan thi hành án hỗ trợ trọng tài trong việc thi hành phán quyết của trọng tài thương mại.

2. Đặc trưng cơ bản của tố tụng trọng tài thương mại

Như trên đã phân tích, trọng tài thương mại ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của các thương nhân là bảo vệ uy tín, bảo vệ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp (thương nhân) theo thủ tục tố tụng riêng, phù hợp với những nhu cầu có tính chất nghề nghiệp của họ mà tố tụng toà án không thể đáp ứng được. So sánh với thủ tục tố tụng dân sự (được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015) thì thủ tục tố tụng của trọng tài thương mại (được ghi nhận trong các quy tắc tố tụng của từng trung tâm trọng tài thương mại, Luật trọng tài thương mại năm 2010, Bản quy tắc trọng tài của Uỷ ban luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) năm 1976) có những đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, đặc trưng trong phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong tố tụng dân sự được phân định theo quy định của pháp luật, dựa trên nội dung của vụ tranh chấp, theo nguyên tắc lãnh thổ hay theo sự lựa chọn của nguyên đơn. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại của trọng tài thương mại được phân định dựa trên sự thoả thuận lựa chọn của đương sự mà không phụ thuộc vào nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở chính của bên bị đơn. Để tranh chấp được giải quyết tại trọng tài thương mại, các bên phải có sự thoả thuận rõ ràng “điều khoản trọng tài” khi xác lập quan hệ hợp đồng hoặc một văn bản thoả thuận riêng sau khi có tranh chấp phát sinh và chỉ có trung tâm trọng tài thương mại được các bên thoả thuận lựa chọn thì mới có quyền thụ lí và giải quyết. Những trường hợp không có sự thoả thuận của các bên đương sự về lựa chọn trọng tài thì trung tâm trọng tài không có quyền thụ lí và phải trả lại đơn cho đương sự. Đây là nguyên tắc rất quan trọng của tố tụng trọng tài, góp phần đảm bảo đến mức tối đa quyền tự định đoạt của các bên đương sự. Theo Alan Redfern, Martin Hunter, Nigel Blackaby và Constantine Partaside: “Một hội đồng trong tài chỉ có thể quyết định các tranh chấp mà các bên đã thoả thuận đưa ra trọng tài giải quyết. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch và là hệ quả chính thức của bản chất tự nguyện của trọng tài. Trong hoạt động trọng tài được thoả thuận, thẩm quyền hoặc quyền hạn của hội đồng trọng tài phát sinh từ thoả thuận của các bên; ngoài ra, trên thực tế, không còn nguồn nào khác làm phát sinh thẩm quyền”.

Thứ hai, trọng tài thương mại chỉ xét xử một lần

Trong tố tụng toà án, một vụ kiện dân sự có thể được xét xử nhiều lần theo nhiều trình tự khác nhau (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm). Trong khi đó, thủ tục tố tụng trọng tài không hình thành nhiều cấp xét xử vì các tranh chấp thương mại đưa ra trọng tài chỉ được xét xử một lần; phán quyết của trọng tài là chung thẩm, không bị kháng cáo, kháng nghị và các bên có nghĩa vụ phải thi hành, trừ trường hợp bị toà án huỷ. Điều này có thể lí giải bởi cách thức tổ chức hai hệ thống cơ quan tài phán này khác nhau: Toà án được tổ chức theo nhiều cấp (Toà án nhân dân tối cao, toà án nhân dân cấp cao, toà án nhân dân tỉnh, thành phố, toà án nhân dân huyện, quận); toà án nhân dân cấp dưới còn trực thuộc toà án nhân dân cấp trên. Trong khi đó, các trung tâm trọng tài thương mại hoàn toàn độc lập với nhau về tổ chức, cho dù trên thực tế có những trung tâm trọng tài lớn, có những trung tâm trọng tài nhỏ, uy tín thấp. Việc xét xử tại các trung tâm trọng tài thương mại chỉ được thực hiện một lần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giải quyết tranh chấp thương mại. Trên cơ sở nguyên tắc này, quá trình giải quyết tranh chấp có thể được rút ngắn, tiết kiệm được chi phí cho các bên tranh chấp và hạn chế tối đa sự gián đoạn trong kinh doanh.

Thứ ba, trong tố tụng trọng tài không áp dụng nguyên tắc xét xử tập thể

Trong tố tụng toà án, việc xét xử được thực hiện theo nguyên tắc xét xử tập thể, theo đó “toà án xét xử tập thể vụ án dân sự và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Tham gia phiên toà xét xử, bên cạnh thẩm phán hoặc hội đồng thẩm phán còn có các hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn, khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án dân sự, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán. Khác với tố tụng toà án, tố tụng trọng tài không áp dụng nguyên tắc xét xử tập thể. Việc giải quyết tranh chấp bởi bao nhiêu trọng tài viên là căn cứ vào ý chí của các bên tranh chấp. Thành phần hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên theo sự thoả thuận của các bên; trong trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng trọng tài viên thì hội đồng trọng tài bao gồm ba trọng tài viên. Trường hợp có một hội đồng trọng tài, các trọng tài viên cũng độc lập đánh giá sự việc theo cách hiểu của mình một cách khách quan, trung thực. Chính sự độc lập, khách quan đó đảm bảo cho quyền tự chủ của các trọng tài viên, đồng thời đảm bảo được tính chính xác cao của các phán quyết trọng tài.

Thứ tư, phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài được tiến hành không công khai

Trong tố tụng dân sự, toà án xét xử công khai, trừ trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mĩ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ. Khác với nguyên tắc này, quá trình giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại được thực hiện theo nguyên tắc không công khai, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Về nguyên tắc, tham gia phiên họp chỉ có thành viên của hội đồng trọng tài và đại diện của các bên. Hội đồng trọng tài chỉ được phép cho những người khác tham dự phiên họp khi có sự đồng ý của các bên. Nguyên tắc họp kín làm cho việc xét xử của trọng tài thương mại có tính chất nội bộ, góp phần bảo vệ bí mật trong hoạt động kinh doanh.

Thứ năm, trọng tài viên giải quyết tranh chấp do các đương sự lựa chọn

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thẩm phán thụ lí vụ án cũng như thẩm phán giải quyết vụ án do chánh án toà án quyết định phân công, còn trong tố tụng trọng tài, trọng tài viên tham gia giải quyết tranh chấp thương mại, về nguyên tắc, do các bên lựa chọn trong danh sách trọng tài viên. Chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ có quyền chỉ định trọng tài viên trong trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc các đương sự không lựa chọn trọng tài viên cho mình. Các trọng tài viên hoàn toàn độc lập, khách quan, vô tư trong việc giải quyết tranh chấp, không bị chi phối bởi ý chí của bất kì người nào. Chính vì vậy, phán quyết của trọng tài đảm bảo sự công bằng. Pháp luật cũng quy định cho các đương sự có quyền từ chối trọng tài viên nếu có cơ sở cho rằng, họ sẽ không vô tư trong việc giải quyết tranh chấp. Các trường hợp từ chối trọng tài viên được quy định cụ thể trong Luật trọng tài thương mại năm 2010, cũng như trong quy tắc tố tụng trọng tài của các trung tâm trọng tài, chẳng hạn như Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC năm 2017

Tóm lại, trọng tài thương mại là tổ chức xã hội-nghề nghiệp, được thành lập theo nhu cầu của thương nhân để giải quyết các tranh chấp thương mại. Khi được lựa chọn, trọng tài thương mại sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp thương mại theo thủ tục tố tụng nhất định, đưa ra phán quyết và phán quyết đó được đảm bảo thi hành. Trọng tài thương mại là hình thức tài phán, tồn tại song song với toà án, được toà án hỗ trợ trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

 

Trung tâm trọng tài thương mại Quốc tế Chiến Thắng

  • Địa chỉ: Số 11 Ngõ 1 phố Nguyễn Thị Duệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Hotline: 0965996583
  • Email:vicac@gmail.com
  • Website: vicac.com.vn



Bài viết liên quan
Ưu điểm và nhược điểm của các quy định về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam
20/01/2024
Tại Việt Nam, pháp luật điều chỉnh về trọng tài thương mại – những cơ sở pháp lý cơ bản để thiết lập và phát triển phương thức giải quyết bằng trọng tài, đang từng bước được hoàn thiện, hướng tới xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nội dung tham luận dưới đây góp phần làm rõ thực trạng pháp luật trọng tài hiện nay, trước hết là pháp luật về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam.
Điều kiện và thủ tục thi hành phán quyết trọng tài của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
19/01/2024
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu hóa và giao lưu thương mại, nhu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam cũng bắt đầu tăng theo. Các vấn đề pháp lý liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Địa Điểm Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài
18/01/2024
Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không nhất thiết phải là nơi sẽ tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp, kể cả nơi tổ chức phiên họp ra phán quyết.
Quy trình và thủ tục cần thiết để thi hành phán quyết trọng tài ở Việt Nam
18/01/2024
Với những ưu việt của thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài Thương mại, ngày càng có nhiều chủ thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài. Theo đó ngày càng nhiều phán quyết Trọng tài được đưa ra thi hành.
Thẩm quyền giữa trung tâm trọng tài và hội đồng trọng tài trong quá trình tố tụng được phân định như thế nào?
17/01/2024
Trung tâm Trọng tài và Hội đồng Trọng tài do Trung tâm thành lập là hai thực thể khác nhau và giữ vai trò khác nhau trong quá trình tố tụng trọng tài. Vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của hai thực thể này được qui định trong Luật TT. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, không ít các vấn đề nảy sinh chưa có được cách xử lý thống nhất. Trước khi tìm hiểu về cách xử lý, hãy phân tích thẩm quyền của hai thực thể này về mặt lý luận.
Vai trò của Tòa án trong việc giám sát, kiểm tra Trọng tài
06/01/2024
Vai trò của Tòa án đối với Trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam là một vấn đề quan trọng để xác định vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Tòa án với Trọng tài, từ đó phân định được thẩm quyền xét xử của Tòa án và Trọng tài, đảm bảo không có sự lạm dụng “quyền lực công” của Tòa án mà lấn át “quyền lực tư” của Trọng tài; mặt khác, giúp cho Trọng tài luôn soi xét lại mình trong việc thực thi nhiệm vụ.

0965996583