Hoà giải viên có quyền chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại (Điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Hoà giải thương mại là một hoạt động có tính chất tự nguyện, nguyên tắc này không chỉ được áp dụng cho các bên tranh chấp, mà còn áp dụng cho hoà giải viên. Không ai có quyền ép buộc hoà giải viên tham gia giải quyết các vụ tranh chấp. Do đó, khi các bên tranh chấp lựa chọn hoà giải viên, hoà giải viên này có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận lời đề nghị này. Tuy nhiên, quyền này của hoà giải viên thương mại đặt ra vấn đề, nếu hoà giải viên quy chế tại một trung tâm hoà giải cụ thể, thì hoà giải viên có quyền chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hoà giải theo sự phân công của trung tâm hoà giải hay không? Đây là điểm mà Nghị định 22/2017/NĐ-CP còn chưa làm rõ, có khả năng gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trên thực tế. Nếu tình huống này xảy ra trong thực tế, thì sẽ tuỳ thuộc vào Quy chế của trung tâm và sự thoả thuận trong hợp đồng giữa trung tâm hoà giải với hoà giải viên.
Hoà giải viên có quyền từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật (Điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Bên cạnh đó, việc bảo mật thông tin về tranh chấp cũng được coi là nghĩa vụ của hoà giải viên đối với các bên (Điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ). Quy định này về quyền của hoà giải viên nhằm hướng tới sự đồng bộ với nguyên tắc bảo mật trong thủ tục hoà giải.
Hoà giải viên có quyền yêu cầu các bên tranh chấp tôn trọng các thoả thuận (ba bên) trong quá trình giải quyết tranh chấp; yêu cầu các bên trình bày đúng sự thật, các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp (Điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định 22/2017/NĐ-CP); đưa ra đề xuất phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp (Khoản 3 Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ).
Trong quá trình tham gia vụ việc hoà giải, hoà giải viên có trách nhiệm thực hiện thủ tục hoà giải theo sự thoả thuận của các bên hoặc quy định của trung tâm hoà giải. Trước hết, hoà giải viên có nghĩa vụ phải thông báo cho các bên về thẩm quyền của mình đối với vụ tranh chấp. Phạm vi quyền của hoà giải viên bao gồm phạm vi về loại vụ việc mà hoà giải viên tham gia giải quyết, phạm vi hỗ trợ của hoà giải viên đối với vụ việc. Hoà giải viên cũng cần thông báo cho các bên tranh chấp về vấn đề thù lao và chi phí trước khi tiến hành hoạt động hoà giải. Với vai trò bên thứ ba hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp, hoà giải viên thương mại cần hoạt động một cách vô tư, khách quan và trung thực, tôn trọng thoả thuận của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Để loại trừ các yếu tố có khả năng ảnh hưởng tới sự khách quan và vô tư của hoà giải viên đối với vụ việc, hoà giải viên không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hoà giải, trừ khi các bên có thoả thuận khác.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, hoà giải viên biết được các thông tin về vụ việc, khách hàng thì cũng không được phép tiết lộ, trừ trường hợp được các bên tranh chấp đồng ý bằng văn bản (Khoản 1 Điều 10 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ). Bên cạnh đó, hoà giải viên cũng cần giữ vai trò độc lập, thái độ vô tư, khách quan và trung thực trong quá trình giải quyết tranh chấp cho các bên. Để đảm bảo sự độc lập khách quan này, hoà giải viên không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hoà giải, trừ khi các bên có thoả thuận khác (Điểm đ khoản 2 Điều 10 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ).
0965996583