Hội nghị có sự góp mặt của PGS.TS.GVCC. Phan Trung Hiền – Trưởng Khoa Luật, Đại học Cần Thơ; Tiến sĩ Cao Nhất Linh – Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ cùng các giảng viên, sinh viên của nhà trường. Ngoài ra, Hội nghị cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp, cán bộ pháp chế tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến với mục đích hiểu thêm về các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là hoà giải; rút ra được bài học kinh nghiệm liên quan, qua đó, tránh được các mâu thuẫn không cần thiết và có lựa chọn hợp lý khi tiến hành giải quyết các tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị là đại diện của ba đơn vị tổ chức, LS. Nguyễn Hưng Quang, PGS.TS.GVCC. Phan Trung Hiền và LS. Trần Minh Trị đã có những chia sẻ nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc nhận diện rủi ro phát sinh từ Hợp đồng trong kinh doanh cho doanh nghiệp. Từ đó khẳng định, việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho người quản lý doanh nghiệp, cán bộ pháp chế của doanh nghiệp và các đối tượng khác về các phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng trong kinh doanh là vô cùng cần thiết để tăng cường năng lực canh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe tham luận đến từ LS. Trần Minh Trị liên quan đến nhận biết rủi ro pháp lý, một số loại tranh chấp, nguy cơ tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng trong kinh doanh cũng như những lưu ý cho doanh nghiệp, chuyên viên pháp lý khi đàm phán, soạn thảo Hợp đồng.
Tiếp theo đó, Tiến sĩ Cao Nhất Linh đã có những chia sẻ về thực tiễn hoà giải trong các hình thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, và tại Cần Thơ nói riêng. Cụ thể, mô hình giải quyết tranh chấp bằng hoà giải tại tỉnh Trà Vinh đã cho thấy dấu hiệu tích cực khi hoà giải đối thoại tại Toà trong các lĩnh vực hôn nhân, dân sự, kinh doanh thương mại được thực hiện vô cùng hiệu quả, giúp cho các bên tranh chấp tự nguyện tham gia hoà giải.
Bên cạnh đó, diễn giả Lương Văn Lý đã đưa ra cái nhìn tổng quan, đánh giá ưu, nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại để thấy rằng, muốn hướng tới phát triển bền vững thì hoà giải chính là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết tranh chấp và vẫn duy trì quan hệ làm ăn với đối tác, khách hàng.
Không chỉ vậy, LS. Vũ Thị Quế và Hoà giải viên Trần Thị Hương đã chia sẻ về các kỹ năng và vai trò của hoà giải viên, luật sư trong các giai đoạn của hoà giải. Theo đó, hoà giải viên khi tham gia hoà giải, cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng khác nhau trong các: giai đoạn chuẩn bị hoà giải, giai đoạn mở đầu, giai đoạn khai thác thông tin, giai đoạn đàm phán và giai đoạn kết thúc. Bên cạnh đó, hoà giải viên cần lưu ý đặc biệt về tính bảo mật của quá trình hoà giải.
Luật sư có vai trò vô cùng quan trọng để quá trình hoà giải có thể diễn ra được thuận lợi, thành công. Theo đó, luật sư của mỗi bên cần xác định rõ những vấn đề tranh chấp hợp đồng thường gặp, từ đó đưa ra tư vấn hợp lý về: tính thích hợp của tranh chấp, ưu và nhược điểm của các bên, các vấn đề pháp lý,…với mục tiêu là tìm ra những giải pháp đáp ứng được quyền lợi của các bên.
Để các luật sư, doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên tại Hội nghị hiểu rõ hơn về hoà giải thương mại, VICMC đã tổ chức thực hành 1 phiên hoà giải giả định với sự tham gia ngẫu nhiên của luật sư, giảng viên, sinh viên và một hoà giải viên hoạt động theo mô hình hoà giải, đối thoại tại Toà án.
Phiên thực hành hoà giải giả định do PGS.TS.HGV. Nguyễn Minh Hằng – Tổng thư ký của VICMC chủ trì hoà giải. Những người tham gia Hội nghị thêm những trải nghiệm, kiến thức thực tế về phương thức hoà giải tranh chấp thương mại hiện nay. Những người tham gia đóng vai được rèn luyện các kiến thức, kỹ năng đàm phán, phân tích tình huống, đưa ra những giải pháp hiệu quả để cân bằng lợi ích, quyền lợi của các bên.
Với tính chất là một hội nghị kết hợp giữa đối thoại và tập huấn, các luật sư, doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên đưa ra nhiều câu hỏi thực tiễn để thảo luận liên quan đến thực tiễn của công tác hoà giải thương mại và phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh, soạn thảo hợp đồng… Các diễn giả và Ban điều hành của VICMC đã giải đáp và trao đổi về những vấn đề được đặt ra để giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc lựa chọn và tham gia giải quyết tranh chấp sao cho giảm thiết rủi ro, thiệt hại hướng tới phát triển bền vững.
Tổng kết một ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến đóng góp, đánh giá của các đại điểu đã được Ban Tổ chức và chuyên gia giải đáp, ghi nhận và tổng hợp.
VICMC xin trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ, sự giúp đỡ đến từ sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ và toàn thể quý vị đại biểu đã dành thời gian quan tâm, tham dự Hội nghị đối thoại, tập huấn. Với sự thành công của Hội nghị, chắc chắn trong tương lai gần, hoà giải tại Việt Nam sẽ ngày càng phổ biến và được ưa chuộng trong cộng đồng.
0965996583