Khái niệm và đặc điểm pháp lý của hoà giải thương mại
20/01/2024
Hoà giải thương mại đang được Việt Nam khuyến khích sử dụng thông qua chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hoá bằng việc Chính Phủ ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại để quy định các vấn đề pháp lý về hoà giải thương mại, ghi nhận tư cách và địa vị pháp lý cho chủ thể hoà giải ở Việt Nam và các nội dung khác trong việc giải quyết tranh chấp bằng hoà giải.
1. Khái niệm hoà giải thương mại
Hoà giải thương mại được cấu thành bởi hai thành tố là “hoà giải” và “thương mại”. Theo đó, “hoà giải” để chỉ phương thức thực hiện việc giải quyết tranh chấp, “thương mại” để chỉ loại tranh chấp. Do đó, để làm rõ khái niệm hoà giải thương mại, cần làm rõ khái niệm hoà giải nói chung. Dưới góc độ học thuật Khái niệm về hoà giải đã được sử dụng lâu đời để phản ánh việc giải quyết tranh chấp giữa các bên với tinh thần thiện chí, có sự tham gia trợ giúp của bên thứ ba. “Thuật ngữ hoà giải được sử dụng không chỉ để để miêu tả việc giải quyết tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân mà còn là việc giải quyết tranh chấp giữa các nhóm lợi ích, giữa các dân tộc hoặc các quốc gia với nhau để tìm kiếm tiếng nói chung, tạo lập hoà bình
.jpg)
Tương tự với các khái niệm mà các học giả đã xây dựng, pháp luật của một số quốc gia trên thế giới chủ yếu cũng chỉ đưa ra khái niệm về “hoà giải” và khái niệm này được tồn tại trong một văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ hoà giải nói chung, mà không chỉ có hoạt động hoà giải các tranh chấp thương mại. Theo quy định của Luật hoà giải Đức (2012), hoà giải được hiểu là “một quá trình bí mật và có trình tự mà ở đó các bên cố gắng trên cơ sở tự nguyện và tự quyết định để đạt được một kết quả có tính thiện chí về tranh chấp của mình với sự trợ giúp của một hoặc nhiều hoà giải viên” (Điều 1.1) [97]. Theo quy định của Luật mẫu về hoà giải Mỹ (2003), hoà giải được hiểu là “một quy trình mà ở đó hoà giải viên làm đơn giản hoá sự giao thiệp và đàm phán giữa các bên tranh chấp và để trợ giúp họ đạt được một thoả thuận tự nguyện về tranh chấp” (Điều 2.1) [124]. Theo quy định của Luật hoà giải Singapore (2017), hoà giải được hiểu là “một quy trình bao gồm một hoặc nhiều hơn một phiên hoà giải mà ở đó một hoặc nhiều hoà giải viên trợ giúp các bên tranh chấp trong việc thực hiện toàn bộ hoặc một trong các hoạt động như nhận diện vấn đề tranh chấp, nghiên cứu và đưa ra các lựa chọn, giao thiệp với các bên, đạt đến thoả thuận một cách tự nguyện với mục đích tạo điều kiện cho các bên có thể giải quyết được tranh chấp của mình” (Điều 3.1) [113]. Theo quy định tại Luật mẫu của Uỷ ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế, hoà giải được hiểu là một quá trình với bất kỳ sự biểu hiện nào như hoà giải, trung gian hoặc một sự thể hiện tương đương, với các thức là các bên tranh chấp yêu cầu một bên thứ ba hoặc những người (gọi là hoà giải viên) trợ giúp họ trong việc nỗ lực đạt được một thoả thuận có tính thiện chí về tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng, ngoài hợp đồng hoặc các quan hệ pháp lý khác.
Hoà giải viên không có thẩm quyền áp đặt bất kỳ một giải pháp nào cho các bên trong việc giải quyết tranh chấp (Điều 1.3).
Khác với các quốc gia như CHLB Đức, Mỹ, Singapore, quy định về hoà giải trong một văn bản pháp luật chung về hoà giải, Việt Nam quy định “hoà giải thương mại” trong một Nghị định của Chính phủ điều chỉnh quan hệ hoà giải thương mại, do đó phần định nghĩa nhắc đến trực tiếp thuật ngữ “hoà giải thương mại”. Theo đó, hoà giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thoả thuận và được hoà giải viên thương mại làm trung gian hoà giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ- CP (Khoản 1 Điều 3). Có thể thấy, định nghĩa về hoà giải thương mại của Việt Nam cũng tương đồng với cách hiểu về “hoà giải” nói chung, nhưng gọi là “hoà giải thương mại” để chỉ hoạt động hoà giải các tranh chấp thương mại và thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản pháp luật về hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại.
Khái niệm hoà giải trong mối quan hệ với trung gian hoà giải
Theo pháp luật Việt Nam, tại Khoản 2 Điều 317 Luật thương mại khi quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thương mại chỉ rõ: “Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải”. Nghị định 22/2017/NĐ-CP cũng chỉ sử dụng thuật ngữ “hoà giải” và không phân biệt với “trung gian hoà giải”. Tuy nhiên, từ các quy định trên có thể thấy Việt Nam tiếp cận khái niệm “hoà giải” là một phương thức giải quyết tranh chấp, nhưng khi nói đến “trung gian hoà giải” thì nói đến vai trò của chủ thể giải quyết tranh chấp. Tác giả cho rằng không nhất thiết có sự phân biệt giữa hoà giải và trung gian hoà giải, có thể gọi chung là phương thức hoà giải. Tuy nhiên, trong hoà giải thì các bên có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để tiến hành hoà giải phụ thuộc vào nhu cầu và mong muốn giải quyết tranh chấp, mức độ tham gia của hoà giải viên vì thế mà cũng có thể khác biệt.
Từ những phân tích trên đây, hoà giải thương mại có thể được hiểu như sau: Hoà giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại độc lập, theo đó việc giải quyết tranh chấp được diễn ra theo một trình tự thủ tục tự nguyện, bảo mật với sự tham gia của các bên tranh chấp và bên thứ ba trung lập (gọi là hoà giải viên thương mại) do các bên lựa chọn, hoà giải viên thương mại trợ giúp các bên tranh chấp đạt được một sự đồng thuận trên cơ sở tự quyết
2. Đặc điểm pháp lý của hoà giải thương mại
Một là, về tính chất, hoà giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại độc lập mang tính lựa chọn và phi tố tụng.
Tương đồng với đa số các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng quy định về bốn phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bao gồm: thương lượng, hoà giải, Trọng tài và Toà án. Trong đó, thương lượng, hoà giải và trọng tài là ba phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR). Hoà giải thương mại khi được tiếp cận như một phương thức giải quyết tranh chấp thì cần được hiểu là một thủ tục, quy trình độc lập. Bởi khi nhắc tới thuật ngữ hoà giải, cũng có thể được tiếp cận dưới góc độ là một bước trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án hay Trọng tài, do có cùng bản chất là việc các bên nỗ lực đạt đến một thoả thuận có tính thống nhất trên tinh thần thiện chí mà không thông qua một quy trình xét xử với sự áp đặt về mặt ý chí từ bên thứ ba bởi một phán quyết. Tuy nhiên, điểm khác ở chỗ, hoà giải độc lập là việc các bên tranh chấp cùng chủ động lựa chọn một phương thức giải quyết ngoài tố tụng, kết quả hoà giải thành là một thoả thuận của các bên dưới sự trợ giúp của hoà giải viên. Theo đó, các bên cần bắt đầu bằng việc thoả thuận về việc sử dụng phương thức hoà giải, cùng nhau thảo luận các vấn đề tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba là hoà giải viên để đạt được một kết quả cuối cùng. Trong khi đó, hòa giải trong thủ tục tố tụng là việc các bên chủ động lựa chọn giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án nhưng trong quá trình giải quyết bằng các phương thức này, các bên được khuyến khích hoà giải được với nhau, hoà giải khi này chỉ được coi như một bước trong quá trình tố tụng, kết quả hoà giải thành tại Trọng tài hoặc Toà án được coi như bản án của Toà hoặc phán quyết của Trọng tài. Tính độc lập của hoà giải thương mại còn được thể hiện ở chỗ, “hoà giải là một nét đặc trưng nổi bật của xu hướng giải quyết tranh chấp thay thế… ở đây, thay thế hàm nghĩa những khác biệt về định tính với hình thức tố tụng, nó bao gồm một tập hợp những nguyên tắc và quy định có thể là đối lập với những nguyên tắc và quy định của hoạt động Toà án”. Do đó, khi tiếp cận thuật ngữ hoà giải thương mại, cần phân biệt mô hình này- với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập, với các mô hình hoà giải trong thủ tục tố tụng khác- với tư cách là một phần của thủ tục tố tụng.
Với tính chất là một phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn phi tố tụng, hoà giải thương mại phản ánh đầy đủ quyền tự chủ, tự định đoạt của các bên trong quan hệ kinh doanh, thương mại. Hoà giải thương mại không phải một phương thức có tính chất bắt buộc hay cưỡng chế đối với các bên. Các bên tự lựa chọn phương thức và hoà giải viên phù hợp để tiến hành giải quyết tranh chấp. Hoà giải nói chung có thể có tính chất dịch vụ hoặc không có tính dịch vụ, phụ thuộc vào việc các bên tranh chấp có phải trả thù lao cho bên hoà giải hay không.
Hai là, chủ thể tham gia vào quan hệ hoà giải thương mại bắt buộc phải có hoà giải viên thương mại.
Hoà giải thương mại được phát sinh khi các bên tranh chấp là chủ thể của quan hệ kinh doanh thương mại lựa chọn, không phải bắt buộc. Do nội hàm của tranh chấp kinh doanh, thương mại được hiểu theo nghĩa rộng, nên chủ thể tranh chấp trong quan hệ hoà giải thương mại không chỉ là thương nhân với nhau, mà bao gồm cả các chủ thể có tham gia vào quan hệ kinh doanh, thương mại. Mối quan hệ của các bên trong tranh chấp là quan hệ mâu thuẫn. Nếu việc giải quyết mâu thuẫn chỉ do các bên tự thực hiện thì sẽ được coi là phương thức thương lượng. Chỉ khi một vụ tranh chấp có sự tham gia của hoà giải viên thương mại với tư cách bên thứ ba trung lập trợ giúp các bên giải quyết tranh chấp thì khi đó mới được coi là hoà giải thương mại. Hoà giải viên thương mại có thể giải quyết tranh chấp với tư cách cá nhân theo đề nghị của các bên hoặc cũng có thể dưới tư cách hoà giải viên của một trung tâm hoà giải chuyên nghiệp. Mối quan hệ giữa hoà giải viên với các bên tranh chấp là mối quan hệ trợ giúp.
Với tư cách là bên thứ ba giải quyết tranh chấp, hoà giải viên thương mại phải đảm bảo vô tư, khách quan, không đứng về bên nào. Nếu sự có mặt hay không của hoà giải viên làm nên sự khác biệt giữa thương lượng với hoà giải, thì vai trò và mức độ tham gia giải quyết tranh chấp của hoà giải viên lại chính là điểm phân biệt cơ bản giữa mô hình hoà giải so với Trọng tài hay Toà án. Thẩm phán trong phương thức giải quyết tranh chấp tại Toà án là là chủ thể đại diện cho quyền lực Nhà nước xét xử vụ việc, do đó, các thương nhân không thể đòi hỏi một cơ chế giải quyết linh hoạt, mềm dẻo. Trọng tài viên, chủ thể được các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp, cũng là một bên thứ ba có quyền lực xét xử để đưa ra một phán quyết dựa trên ý chí của mình. Khác với hai chủ thể trên, hoà giải viên không phải là người xét xử vụ việc, mà có vai trò là một bên trung gian trợ giúp, sử dụng các kỹ năng, kiến thức để khuyến nghị các bên, hướng tới một kết quả có lợi nhất cho cả đôi bên tranh chấp. Hoà giải viên chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp và đảm bảo quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra đúng trình tự, tạo điều kiện thuận lợi và đưa ra khuyến nghị cho các bên có thể đàm phán được mâu thuẫn. Mức độ tham gia vào vụ việc của hoà giải viên thương mại có sự hạn chế hơn so với Thẩm phán hay Trọng tài viên thương mại ở chỗ chỉ đưa ra các đề xuất mà không được đưa ra một phán quyết mang tính áp đặt các bên
Ba là, mục đích khi sử dụng hoà giải thương mại là việc các bên tranh chấp mong muốn đạt được một kết quả đồng thuận trên cơ sở tự quyết.
Nền tảng của quan hệ dân sự nói chung, quan hệ kinh doanh thương mại nói riêng là tự do ý chí, tự nguyện thoả thuận. Xuất phát từ tư tưởng triết học về ý chí tự do thì “mỗi con người riêng lẻ, thành viên của một cộng đồng xã hội rộng lớn - tức nhà nước - vừa có ý thức về sự phụ thuộc của mình đối với tính tất yếu của trật tự xã hội, vừa có nhu cầu hành động ngược lại sức mạnh cưỡng bức của mình. Trong khuôn khổ tính tất yếu do nhà nước quy định, con người muốn có tự do”. Về mặt kinh tế, dựa trên lý thuyết về việc “lợi ích cá nhân là động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế”, nên ngay cả trong các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bằng con đường tố tụng tại Toà án hay Trọng tài, Thẩm phán và Trọng tài viên vẫn luôn khuyến khích các bên tự thương lượng hoặc hoà giải được với nhau với sự trợ giúp của họ. Vai trò của bên thứ ba là hoà giải viên chỉ tham gia như một bên phân tích, đề xuất, gợi ý, hỗ trợ các bên trong các vấn đề tranh chấp cũng như các hỗ trợ khác để giải quyết tranh chấp nếu các bên yêu cầu. Do đó, các bên sẽ không chịu sự chi phối bởi một phán quyết cuối cùng do một bên thứ ba áp đặt như với Trọng tài viên tại trọng tài thương mại hay Thẩm phán tại Toà án. Việc các bên tự định đoạt lợi ích của chính mình là cách tốt nhất để đảm bảo việc duy trì trật tự bền vững của quan hệ thương mại nói riêng, mối quan hệ xã hội nói chung. Bởi, các bên trong quan hệ tư sẽ có xu hướng tôn trọng và tự nguyện thi hành ở mức cao nhất một kết quả do chính họ tự quyết định mà không phải là do áp đặt bởi ý chí của bên thứ ba. Do đó, hai nguyên tắc nền tảng của hoà giải thương mại là tự nguyện và tự quyết trong quan hệ kinh doanh, thương mại.
Bốn là, hoà giải thương mại có thủ tục giải quyết tranh chấp linh hoạt, thân thiện và bảo mật với các bên ở mức độ cao hơn so với Trọng tài và Toà án
Thủ tục hoà giải có tính linh hoạt, không cứng nhắc như các thủ tục giải quyết tranh chấp mà bên giải quyết tranh chấp đưa ra phán quyết như ở Trọng tài và Toà án. Bên cạnh đó, do hoà giải thương mại không phải một quy trình tranh tụng có tính xét xử, nên mô hình này đáp ứng được nhu cầu về việc giải quyết tranh chấp một cách thân thiện. Khi quyết định lựa chọn hoà giải, mục đích của các bên không nhằm đối kháng với nhau hay tối đa hoá lợi ích của mình, không phải là thắng kiện thua kiện (như Trọng tài hay Toà án) mà để tìm một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Cũng chính vì không có một quy trình chặt chẽ, hoà giải thương mại cũng sẽ có mặt hạn chế là không có tính cưỡng chế cao bằng các phương thức như Trọng tài hay Toà án. Thái độ hợp tác giữa các bên, sự thân thiện và linh hoạt trong quy trình hoà giải sẽ quyết định mức độ thành công của một vụ việc hoà giải thương mại.
Hoà giải thương mại cũng là một quy trình có tính bảo mật. Tương tự như trọng tài, vụ việc hoà giải cũng được giải quyết không công khai để đảm bảo thông tin của các bên trong quan hệ kinh doanh, thương mại. Đây cũng là một ưu điểm mà các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án mang lại cho các bên tranh chấp. Xét về cấp độ bảo mật, hoà giải thương mại có quy trình bảo mật cao hơn so với trọng tài thương mại. Bởi, trong hoà giải thương mại, hoà giải viên còn có thể phải giữ bí mật các nội dung thông tin về bên tranh chấp này với bên tranh chấp kia. Trong khi đó, trong quan hệ trọng tài thương mại thì phiên giải quyết tranh chấp cần phải được công khai với các bên tranh chấp, nguyên tắc bí mật chỉ áp dụng với việc trọng tài không được tiết lộ thông tin vụ tranh chấp với bên thứ ba.