Tính bảo mật là một trong những ưu điểm quan trọng nhất và là đặc điểm cần thiết của trọng tài, là lý do quan trọng để các bên tranh chấp lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, đưa trọng tài thương mại trở thành phương thức giải quyết phổ biến trong các tranh chấp đầu tư thương mại quốc tế.
1. Nguyên tắc bảo mật là gì?
Nguyên tắc bảo mật trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là tập quán trọng tài truyền thống và được tôn trọng rộng rãi ở các quốc gia khác nhau, đã được quy định tại văn bản pháp luật liên quan và tại hầu hết quy tắc tố tụng trọng tài của các tổ chức trọng tài trong nước và quốc tế.

2. Nội dung bảo mật trong trọng tài
Tính bảo mật cũng là tập quán trọng tài truyền thống và được tôn trọng rộng rãi ở các quốc gia khác nhau, đã được quy định tại văn bản pháp luật liên quan và tại hầu hết quy tắc tố tụng trọng tài của các tổ chức trọng tài trong nước và quốc tế. Tại Việt Nam, về quy định của luật, điều 4 “Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài” của Luật trọng tài thương mại năm 2010 (LTTTM), khoản 4 quy định: “Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”, và tại khoản 5 điều 21 “Quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên” quy định trọng tài viên có nghĩa vụ: “Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Nội dung bảo mật trong trọng tài có thể hiểu bao gồm
- Các bên tranh chấp là cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia tố tụng trọng tài với tư cách nguyên đơn, bị đơn. Tố tụng trọng tài không có bên có quyền và nghĩa vụ có liên quan, không có bên thứ ba.
- Tổ chức trọng tài quy chế hoặc hội đồng trọng tài vụ việc, trọng tài viên, các bên trong vụ tranh chấp có nghĩa vụ bảo mật toàn bộ quá trình tố tụng trọng tài, không công khai. Bao gồm đơn khởi kiện, hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn, bản tự bảo vệ, đơn kiện lại của bị đơn chỉ được gửi đến bên kia (bị đơn hoặc nguyên đơn), gửi đến hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp thông qua ban thư ký của tổ chức trọng tài.
- Thành phần tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp chỉ có nguyên đơn, bị đơn và/hoặc người đại diện của họ. Các bên có quyền mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, mời người làm chứng tham gia phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, nhưng phải thông báo cho hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp vào trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của các bên, có quyền mời tổ chức, cá nhân giám định, định giá tài sản và chuyên gia tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp.
- Trọng tài viên có nghĩa vụ bảo mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trọng tài viên phải tuyên bố về tính độc lập, vô tư của mình trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Trong quá trình tố tụng trọng tài, trọng tài viên không được gặp hoặc liên lạc riêng với bất kỳ bên nào; không bên nào được gặp hoặc liên lạc riêng với trọng tài viên để trao đổi các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp.
- Các phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, bao gồm cả phiên họp cuối cùng đều không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Phán quyết trọng tài chỉ được gửi cho nguyên đơn và bị đơn, có hiệu lực chung thẩm và buộc nguyên đơn và bị đơn phải thực hiện. Điều 34 của Bộ quy tắc trọng tài của Uncitrial cũng quy định: “Phán quyết trọng tài chỉ được công khai nếu có sự nhất trí của các bên tham gia”.
3. Ý nghĩa của nguyên tắc bảo mật giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài
Tính bảo mật trong trọng tài có ý nghĩa với các bên tranh chấp trên các khía cạnh sau:
- Duy trì uy tín kinh doanh: Các công ty lựa chọn trọng tài để ngăn chặn tranh chấp được công khai, điều này có thể gây tổn hại đến danh tiếng của chính công ty họ hoặc mang lại lợi ích cho đối thủ cạnh tranh. Công chúng không phải lúc nào cũng có thái độ vô tư và khách quan đối với các bên xung đột. Danh tiếng kinh tế của một công ty có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường tài chính, chứng khoán, giá cổ phiếu và khả năng tài trợ vốn vay từ ngân hàng. Tính bảo mật trong trọng tài cho phép các bên giải quyết các khiếu nại và kết quả vụ việc một cách bảo mật đồng thời tránh đưa tin hoặc bình luận trên các phương tiện truyền thông. Nếu một bên thua trong tranh chấp vẫn giữ được uy tín, bí mật thương mại, nội dung tranh chấp… giúp doanh nghiệp giữ vững uy tín kinh doanh .
- Tránh để doanh nghiệp phát sinh nhiều tranh chấp hơn: Các công ty có thể gặp phải những tranh chấp tương tự trong quá trình đầu tư kinh doanh. Nếu một trong các Tranh chấp đã được đưa ra kiện tụng, mặc dù không thông qua trọng tài mà tại tòa án, thì các khiếu nại, sự kiện và nội dung của tranh chấp đó có thể bị các bên tranh chấp khác thách thức. Vì họ biết cùng một lập luận nên họ có thể dễ dàng sử dụng các quan sát. , bằng chứng và quyết định trong bản án hiện tại để khởi xướng một hành động tương tự. Tính bảo mật của việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài có thể làm giảm các khiếu nại và yêu cầu khiếu nại tương tự.
- Ý nghĩa chính trị: Nguồn gốc thành lập các doanh nghiệp nhà nước thường có có yếu tố chính trị, nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, do đó tính bảo mật quá trình đầu tư kinh doanh thường được đặt biệt chú ý. Trường hợp phát sinh tranh chấp từ dự án liên quan đến quốc kế dân sinh, rất có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế chính trị trong nước. Do đó, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với tính bảo mật vốn có thường được các doanh nghiệp nhà nước đầu tư kinh doanh ở nước ngoài lựa chọn.