Một số điểm mới trong Luật trọng tài thương mại 2010

06/11/2023
Có thể thấy rằng so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại (TTTM), Luật TTTM 2010 đã có những thay đổi đáng kể, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cung cấp và sử dụng dịch vụ trọng tài ở Việt Nam. Mặc dù vậy, thực trạng pháp luật trọng tài thương mại đã và đang tiếp tục đặt ra những nội dung cần được tiếp tục làm rõ nhằm đảm bảo thực thi pháp luật thống nhất và hiệu quả

1. Tổng quan quá trình phát triển của pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam

a. Sự ra đời của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và Trung tâm trọng tài kinh tế

Tại Việt Nam, mô hình trọng tài thương mại (với bản chất là hình thức giải quyết tranh chấp do các bên tranh chấp lựa chọn) bắt đầu hình thành vào những năm 1960, với sự ra đời của Hội đồng trọng tài ngoại thương và Hội đồng trọng tài hàng hải. Năm 1993, trên cơ sở hợp nhất hai hội đồng trọng tài này, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 204/TTg ngày 28/4/1993. Thẩm quyền của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam khi mới thành lập là giải quyết các tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài.

Để đa dạng hoá hình thức giải quyết các chấp kinh tế trong nước, năm 1994 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/CP ngày 05/9/1994 quy định về tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế, trong đó xác định trung tâm trọng tài kinh tế là tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Trung tâm trọng tài kinh tế Hà Nội, Trung tâm trọng tài kinh tế Thăng Long, Trung tâm trọng tài kinh tế Sài Gòn, Trung tâm trọng tài kinh tế Cần Thơ và Trung tâm trọng tài kinh tế Bắc Giang là những trung tâm trọng tài thành lập và hoạt động theo loại hình này. Nghị định số 116/CP quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trung tâm trọng tài kinh tế là các tranh chấp kinh tế, không phân biệt quốc tịch của các bên tranh chấp, bao gồm tranh chấp kinh tế phát sinh từ quan hệ kinh doanh trong nước và tranh chấp kinh tế có yếu tố nước ngoài. Để đảm bảo sự thống nhất về thẩm quyền, đảm bảo cho trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và các trung tâm trọng tài kinh tế cùng được giải quyết các tranh chấp kinh tế, không phân biệt quốc tịch của các bên tranh chấp, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 114/TTg ngày 16/2/1996 đã quy định mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trung tâm trọng tài quốc tế, theo đó, trung tâm này được bổ sung thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân trong nước.

Với các quy định về địa vị pháp lí của tổ chức trọng tài, trọng tài viên, thẩm quyền giải quyết, thoả thuận trọng tài và thủ tục tố tụng trọng tài, các văn bản pháp luật trên đây đóng vai trò là nền tảng pháp lí ban đầu của hoạt động giải quyết tranh chấp kinh tế bằng trọng tài - hình thức giải quyết tranh chấp tự nguyện, tồn tại bên cạnh hình thức giải quyết tranh chấp bằng toà án. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các văn bản quy phạm pháp luật về trọng tài ở giai đoạn này là thiếu cơ chế đảm bảo thực thi hiệu lực của phán quyết trọng tài. Quy định: “Trong trường hợp quyết định trọng tài không được một bên chấp hành thì bên kia có quyền yêu cầu toà án nhân dân có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế” đã làm cho hầu hết ý định sử dụng dịch vụ trọng tài của thương nhân phải dừng lại.

b. Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003

Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 (gọi tắt là Pháp lệnh TTTM) là dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện dần thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, đã khắc phục nhiều thiếu sót, bất cập từ những văn bản trước đây. Thành công của việc ban hành Pháp lệnh TTTM được thể hiện ở các điểm nổi bật sau đây:

- Nhất thể hoá pháp luật điều chỉnh hoạt động trọng tài thương mại;

- Đa dạng hoá các loại hình trọng tài bằng việc quy định bổ sung loại hình trọng tài vụ việc với tên gọi là "Hội đồng trọng tài do các bên thoả thuận thành lập";

- Quy định sự hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động trọng tài thông qua cơ quan toà án và cơ quan thi hành án;

- Quy tắc tố tụng khá cụ thể và cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế;

- Quy định cơ chế đảm bảo thi hành phán quyết của trọng tài thương mại, đó là các bên có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức cưỡng chế thi hành phán quyết trọng tài;

Thực thi Pháp lệnh TTTM, nhiều trung tâm trọng tài kinh tế đã tiến hành đổi tên (thành trọng tài thương mại) và một số trung tâm trọng tài đã được thành lập mới: Trung tâm trọng tài thương mại Hà Nội (tiền thân là trung tâm trọng tài kinh tế Hà Nội), Trung tâm trọng tài thương mại thành phố Hồ Chí Minh (tiền thân là Trung tâm trọng tài kinh tế Sài Gòn), Trung tâm trọng tài thương mại Cần Thơ (trước đây là Trung tâm trọng tài kinh tế Cần Thơ), Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Trung tâm trọng tài thương mại Á châu (tiền thân là trung tâm trọng tài kinh tế Thăng Long), Trung tâm trọng tài quốc tế châu Á - Thái Bình Dương, Trung tâm trọng tài thương mại Viễn Đông (thành lập năm 2006). Sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng của các trung tâm trọng tài và đội ngũ trọng tài viên chứng minh Pháp lệnh TTTM đã và đang đi vào cuộc sống.

Mặc dù vậy, sau nhiều năm thực hiện, Pháp lệnh TTTM bộc lộ nhiều vướng mắc và chưa thực hiện được sứ mệnh là công cụ pháp lí thúc đẩy phát triển dịch vụ trọng tài thương mại ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các cam kết quốc tế về thương mại dịch vụ cũng đòi hỏi pháp luật trọng tài thương mại ở Việt Nam cần tiếp tục được hoàn thiện. Luật về trọng tài thương mại năm 2010 được ban hành với mục tiêu khắc phục những bất cập đang tồn tại và tiếp cận hơn nữa với chuẩn mực quốc tế về trọng tài thương mại, phù hợp hơn với các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam.

2. Một số nội dung mới trong Luật TTTM năm 2010

Ngày 17/06/2010 Luật TTTM số 54/QH (Luật TTTM) đã được Quốc hội khoá XII, kì họp thứ 7 thông qua, chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2011. So với Pháp lệnh TTTM, Luật TTTM có khá nhiều thay đổi quan trọng theo hướng "cởi mở" hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam.

a. Luật TTTM mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại

Pháp lệnh TTTM quy định thẩm quyền của trọng tài thương mại được xác định khi có đầy đủ ba điều kiện là: Tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, các chủ thể của tranh chấp phải là tổ chức, cá nhân kinh doanh và các bên phải có thoả thuận trọng tài có hiệu lực. Theo quy định này, nhiều tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại nhưng chỉ có một bên là thương nhân hay tranh chấp phát sinh từ quan hệ đầu tư góp vốn của các tổ chức, cá nhân không có đăng kí kinh doanh sẽ không thuộc phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại. Luật TTTM đã quy định mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại. Theo Điều 2 Luật TTTM, trọng tài thương mại được giải quyết các loại việc sau:

- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;

- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;

- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

Như vậy, có thể nhận thấy tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại mà chủ thể của tranh chấp là thương nhân hoặc có một bên là thương nhân hoặc các tranh chấp khác mà pháp luật cho phép các bên được giải quyết theo thủ tục trọng tài. Phạm vi này rộng hơn so với quy định trước đây trong Pháp lệnh TTTM. Tuy nhiên, với quy định trên đây, việc xác định thẩm quyền của trọng tài quan trọng theo hướng "cởi mở" hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, với quy định trên đây, việc xác định thẩm quyền của trọng tài thương mại vẫn sẽ gây tranh luận ở hai điểm: Một là tranh chấp phát sinh từ "hoạt động thương mại" được hiểu theo quy định nào? Nhiều ý kiến tiếp nhận khái niệm "hoạt động thương mại" theo quy định của Luật thương mại năm 2005, bao gồm các hoạt động mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác có mục đích sinh lợi. Cách hiểu này rất hợp lí song vướng mắc là ở chỗ khái niệm "hoạt động thương mại" trên đây chỉ được hiểu trong khuôn khổ của Luật thương mại năm 2005 (Phần giải thích từ ngữ, các luật đều ghi rõ: Trong luật này, các thuật ngữ sau đây được hiểu như sau...); Hai là "tranh chấp khác" được Luật quy định giải quyết theo thủ tục trọng tài rất khó xác định trong pháp luật hiện hành của Việt Nam. Các tranh chấp công ti có thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại không, thuộc loại việc thứ nhất hay loại việc thứ ba? Theo quy định tại Điều 2 Luật TTTM thì các thành viên/cổ đông này không phải thương nhân, tuy họ cũng tham gia vào công việc đầu tư, quản lí công ti nhưng bản thân họ không có đăng kí kinh doanh. Hoạt động của họ có được coi là hoạt động thương mại hay không? Nếu hiểu hoạt động thương mại theo Luật thương mại năm 2005 thì việc góp vốn, mua cổ phần là hoạt động đầu tư, nhằm mục đích sinh lời. Thiết nghĩ, Luật TTTM cần có văn bản hướng dẫn về Điều 2 của Luật để có cách hiểu rõ ràng và chi tiết hơn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài.

b. Luật TTTM quy định rõ về các hình thức trọng tài và mở rộng phạm vi lĩnh vực hoạt động của tổ chức trọng tài Luật TTTM sử dụng thuật ngữ "trọng tài

            Luật TTTM sử dụng thuật ngữ “trọng tài quy chế” và “trọng tài vụ việc” để chỉ hai hình thức trọng tài thương mại được thừa nhận ở Việt Nam thay cho hai khái niệm cũ là "trung tâm trọng tài" và "hội đồng trọng tài do các bên thoả thuận thành lập". Tên gọi mới này thể hiện rõ và đúng bản chất của hai hình thức trọng tài thương mại mà Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thừa nhận.

Về phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Trung tâm trọng tài thương mại, Pháp lệnh TTTM chỉ quy định về trung tâm trọng tài được "hoạt động trọng tài" và "cung cấp các dịch vụ hành chính, văn phòng và các dịch vụ khác cho việc giải quyết tranh chấp". Luật TTTM quy định ngoài các hoạt động trên đây, trung tâm trọng tài được cung cấp dịch vụ hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác theo quy định của pháp luật. Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích phát triển các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án ở Việt Nam, bao gồm cả trọng tài, thương lượng, hoà giải. Bên cạnh đó, "hoạt động trọng tài" của trung tâm trọng tài cũng được gọi đúng bản chất của nó, đó là hoạt động "cung cấp dịch vụ trọng tài".

c. Luật TTTM quy định rõ về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và nguyên tắc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài

Điều 5 Luật TTTM quy định thoả thuận trọng tài là điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, khác với quy định trước đây, coi thoả thuận trọng tài là nguyên tắc giải quyết tranh chấp. Quy định mới này phù hợp với luật trọng tài của nhiều nước trên thế giới, bởi về bản chất, việc có hay không có thoả thuận trọng tài chỉ là điều kiện cần thiết cho phép xác định vụ việc có hay không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài mà thôi. Ngoài ra, Luật TTTM cũng quy định rõ việc thừa kế, tiếp nhận nghĩa vụ của các cá nhân kí kết thoả thuận trọng tài mà chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, chuyển đổi. Các sự kiện pháp lí này khi xảy ra, không dẫn đến thoả thuận trọng tài vô hiệu mà vẫn có hiệu lực thực hiện đối với tổ chức, cá nhân kế thừa nghĩa vụ. Nội dung này được quy định khá tương đồng trong luật của nhiều nước, ví dụ, Luật trọng tài của Singapore quy định rằng thoả thuận trọng tài sẽ không bị huỷ khi một bên chết mà sẽ tiếp tục có hiệu lực đối với người đại diện hợp pháp của bên đó, thẩm quyền của trọng tài đã được các bên chỉ định sẽ không bị huỷ bỏ bởi việc qua đời của bất kì bên nào.

Liên quan đến thoả thuận trọng tài, lần đầu tiên pháp luật về trọng tài thương mại Việt Nam đề cập việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng. Đối với các hợp đồng cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn với người tiêu dùng có điều khoản về giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại; khi tranh chấp xảy ra, điều khoản thoả thuận trọng tài đó chỉ có hiệu lực khi được người tiêu dùng chấp thuận. Một số nước khác có đề cập trường hợp này, tuy nhiên cách quy định cũng khác: Ví dụ luật của Anh quy định thoả thuận trọng tài kí kết với người tiêu dùng phải phù hợp với quy định về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Luật của Đức quy định thoả thuận trọng tài với người tiêu dùng phải được làm thành văn bản riêng. Như vậy, quy định của Việt Nam cùng xu thế với các quốc gia ở chỗ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng bằng cách trao cho họ lựa chọn phương thức giải quyết ngay cả khi thoả thuận trọng tài có hiệu lực. Bởi lẽ, người tiêu dùng được coi là phía yếu thế hơn so với phía nhà cung cấp dịch vụ, hàng hoá; hơn nữa, khi mua bán hoặc sử dụng dịch vụ, họ có thể không chú ý nhiều đến các điều khoản về tranh chấp thương mại, trình độ pháp lí của họ cũng còn hạn chế. Tuy nhiên, điều luật quy định như vậy cũng có phần "thiệt thòi" cho phía nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ khi người tiêu dùng không chấp thuận giải quyết bằng con đường trọng tài và kiện ra toà án. Điều này đồng nghĩa với việc nhà cung cấp không thể tận dụng những điểm ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, sẽ tốn kém thời gian, chi phí, thậm chí là uy tín của doanh nghiệp… Mặt khác, do quy định mới chưa đủ chi tiết, không loại trừ trường hợp chính người tiêu dùng đã đồng ý lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài thương mại nhưng đến khi tranh chấp xảy ra họ lại tận dụng điều khoản này để phản đối thoả thuận ban đầu, trường hợp này sẽ gây thiệt thòi cho phía doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Chính kẽ hở này có thể sẽ dẫn đến việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được bổ sung với hai nguyên tắc được coi là đặc trưng của tố tụng trọng tài, đó là: Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và nguyên tắc phán quyết trọng tài là chung thẩm (Điều 4 Luật TTTM). Tố tụng trọng tài theo các quy định trước đây cũng áp dụng các nguyên tắc này song Điều 3 Pháp lệnh TTTM bỏ qua khi quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, dẫn đến hiểu biết thiếu đầy đủ về ưu điểm đảm bảo bí mật, uy tín kinh doanh, khả năng giải quyết vụ việc nhanh chóng, kịp thời, dứt điểm của thủ tục trọng tài.

d. Luật TTTM loại bỏ bớt các trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu được coi là không cần thiết

Thoả thuận trọng tài là văn bản quan trọng trong thủ tục tố tụng trọng tài, là điều kiện cần thiết để vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài. Luật TTTM đã bỏ một trường hợp thoả thuận trọng tài bị coi là vô hiệu, đó là trường hợp thoả thuận trọng tài "không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết mà sau đó các bên không có thoả thuận bổ sung” đồng thời quy định hướng giải quyết khi xuất hiện thoả thuận trọng tài thuộc diện này. Điều 43 Luật TTTM đã xử lí thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được như sau: "Trường hợp các bên đã có thoả thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể thì khi có tranh chấp, các bên phải thoả thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thoả thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn". Bên cạnh đó, nếu các bên đã có thoả thuận giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài cụ thể nhưng trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa thì các bên có thể thoả thuận lựa chọn trung tâm trọng tài khác; nếu không thoả thuận được thì có quyền khởi kiện ra toà án để giải quyết. Trường hợp các bên đã có thoả thuận cụ thể về việc lựa chọn trọng tài viên trọng tài vụ việc nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp thì các bên có thể thoả thuận lựa chọn trọng tài viên khác để thay thế; nếu không thoả thuận được thì có quyền khởi kiện ra toà án để giải quyết.

Việc giảm bớt các trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu, thay bằng giải pháp tháo gỡ có thể thực hiện được có ý nghĩa mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại, nâng cao khả năng thực thi thoả thuận trọng tài trong thực tế. Tuy nhiên, Luật TTTM còn chưa tính đến các trường hợp khó xác định thẩm quyền khác xảy ra khá nhiều trong thực tế như: Trường hợp các bên thoả thuận trung tâm trọng tài cụ thể nhưng lĩnh vực tranh chấp đó không thuộc phạm vi giải quyết quy định trong quy chế của trung tâm trọng tài đó; thoả thuận trọng tài chỉ định một trung tâm trọng tài nhưng lại chọn quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài khác mà trung tâm trọng tài được chỉ định từ chối áp dụng giải quyết; các bên chọn cách thức giải quyết bằng cả trọng tài lẫn toà án hoặc chỉ rõ nhiều trung tâm trọng tài và cách thức giải quyết trọng tài trong cùng một thoả thuận trọng tài…

e. Luật TTTM mở rộng thẩm quyền của hội đồng trọng tài trong quá trình tố tụng

Hội đồng trọng tài đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên đương sự. Khi các đương sự tìm đến phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, tức là họ đã đặt niềm tin, sự kì vọng vụ tranh chấp sẽ được giải quyết nhanh chóng và “êm thấm”. Thẩm quyền của hội đồng trọng tài trong quá trình tố tụng được quy định tại Pháp lệnh TTTM tương đối hẹp và kém thuận lợi cho hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thẩm quyền của hội đồng trọng tài đã được Luật TTTM mở rộng và rõ ràng hơn. Cụ thể là:

- Trước khi phiên họp giải quyết tranh chấp được diễn ra, hội đồng trọng tài phải thực hiện việc nghiên cứu vụ việc, tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ… Ngoài quyền yêu cầu các bên cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, hội đồng trọng tài có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp, có quyền tham vấn ý kiến các chuyên gia, có quyền triệu tập người làm chứng hoặc đề nghị toà án ra quyết định triệu tập người làm chứng...

- Hội đồng trọng tài có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trước đây, chỉ có toà án cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài thụ lí vụ tranh chấp mới có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quy định này thực sự không đáp ứng được tính chất "khẩn cấp tạm thời" do toà án khi tiếp nhận yêu cầu còn phải thực hiện một số thủ tục tố tụng nhất định. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời do hội đồng trọng tài quyết định áp dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, hội đồng trọng tài cũng có thẩm quyền thay đổi, bổ sung và huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vào bất kì thời điểm nào trong quá trình giải quyết tranh chấp. Quy định mới này là sự tiếp thu những quy định mẫu của UNCITRAL được thông qua năm 2006

g. Luật TTTM đã phân biệt rõ quyết định trọng tài và phán quyết trọng tài

Pháp lệnh TTTM quy định “quyết định trọng tài” là quyết định cuối cùng của hội đồng trọng tài sau khi giải quyết vụ tranh chấp. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài được quyền ra nhiều quyết định khác nhau như quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định chỉ định, thay đổi trọng tài viên... Phù hợp với thực tiễn thẩm quyền của hội đồng trọng tài trong quá trình tố tụng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều 9, Điều 10 Luật TTTM đã quy định rõ: Quyết định trọng tài là quyết định của hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp và Phán quyết trọng tài là quyết định của hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài.

Ngoài ra, Luật TTTM cũng quy định rõ về nguyên tắc quyết định trọng tài theo đa số. Trừ trường hợp hội đồng trọng tài có duy nhất một trọng tài viên, hội đồng trọng tài không phải lúc nào cũng đạt được sự thống nhất ý kiến. Luật TTTM quy định cụ thể hội đồng trọng tài phán quyết theo đa số, khi biểu quyết không đạt được đa số thì theo ý kiến của chủ tịch hội đồng trọng tài. Quy định tương tự được ghi nhận trong luật pháp quốc tế, ví dụ như Quy tắc tố tụng trọng tài của Phòng thương mại quốc tế (International Chamber of Commerce - ICC), Luật trọng tài Thuỵ Sỹ, Luật trọng tài của Anh năm 1996…

h. Luật TTTM đã nội luật hoá các cam kết quốc tế về dịch vụ trọng tài

Trong Hiệp định về thương mại dịch vụ của WTO, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hoà giải được coi là một trong những loại hình dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lí, (11) quy định trong Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời (Provisional Central Product Classification - viết tắt là PCPC) về ngành dịch vụ của Liên hợp quốc. Theo đó, mã 86602 về dịch vụ trọng tài và hoà giải là “các dịch vụ hỗ trợ thông qua dịch vụ trọng tài và hoà giải để giải quyết tranh chấp giữa ban quản lí và người lao động, giữa các doanh nghiệp và cá nhân. Ngoại trừ dịch vụ thay mặt một trong các bên liên quan để đại diện trong cuộc tranh chấp và dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực quan hệ lao động về thông tin tư vấn pháp luật khác, dịch vụ do các tổ chức doanh nghiệp và người thuê lao động, công đoàn cung cấp”. Tuy nhiên, Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam quy định rõ Việt Nam chỉ ghi nhận dịch vụ trọng tài và hoà giải gồm các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các thương nhân mà thôi. Theo đó, Việt Nam cam kết không hạn chế đối với phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới và tiêu dùng ở nước ngoài. Tức là các tổ chức trọng tài nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ hoạt động trọng tài đối với đương sự tại Việt Nam mà không cần di chuyển đến lãnh thổ Việt Nam (ví dụ qua internet, điện thoại…);

Có thể thấy rằng so với Pháp lệnh TTTM, Luật TTTM đã có những thay đổi đáng kể, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cung cấp và sử dụng dịch vụ trọng tài ở Việt Nam. Mặc dù vậy, thực trạng pháp luật trọng tài thương mại đã và đang tiếp tục đặt ra những nội dung cần được tiếp tục làm rõ nhằm đảm bảo thực thi pháp luật thống nhất và hiệu quả

Trung tâm trọng tài thương mại Quốc tế Chiến Thắng

  • Địa chỉ: Số 11 Ngõ 1 phố Nguyễn Thị Duệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Hotline: 0965996583
  • Email:vicac@gmail.com
  • Website: vicac.com.vn

 




Bài viết liên quan
Ưu điểm và nhược điểm của các quy định về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam
20/01/2024
Tại Việt Nam, pháp luật điều chỉnh về trọng tài thương mại – những cơ sở pháp lý cơ bản để thiết lập và phát triển phương thức giải quyết bằng trọng tài, đang từng bước được hoàn thiện, hướng tới xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nội dung tham luận dưới đây góp phần làm rõ thực trạng pháp luật trọng tài hiện nay, trước hết là pháp luật về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam.
Điều kiện và thủ tục thi hành phán quyết trọng tài của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
19/01/2024
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu hóa và giao lưu thương mại, nhu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam cũng bắt đầu tăng theo. Các vấn đề pháp lý liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Địa Điểm Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài
18/01/2024
Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không nhất thiết phải là nơi sẽ tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp, kể cả nơi tổ chức phiên họp ra phán quyết.
Quy trình và thủ tục cần thiết để thi hành phán quyết trọng tài ở Việt Nam
18/01/2024
Với những ưu việt của thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài Thương mại, ngày càng có nhiều chủ thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài. Theo đó ngày càng nhiều phán quyết Trọng tài được đưa ra thi hành.
Thẩm quyền giữa trung tâm trọng tài và hội đồng trọng tài trong quá trình tố tụng được phân định như thế nào?
17/01/2024
Trung tâm Trọng tài và Hội đồng Trọng tài do Trung tâm thành lập là hai thực thể khác nhau và giữ vai trò khác nhau trong quá trình tố tụng trọng tài. Vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của hai thực thể này được qui định trong Luật TT. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, không ít các vấn đề nảy sinh chưa có được cách xử lý thống nhất. Trước khi tìm hiểu về cách xử lý, hãy phân tích thẩm quyền của hai thực thể này về mặt lý luận.
Vai trò của Tòa án trong việc giám sát, kiểm tra Trọng tài
06/01/2024
Vai trò của Tòa án đối với Trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam là một vấn đề quan trọng để xác định vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Tòa án với Trọng tài, từ đó phân định được thẩm quyền xét xử của Tòa án và Trọng tài, đảm bảo không có sự lạm dụng “quyền lực công” của Tòa án mà lấn át “quyền lực tư” của Trọng tài; mặt khác, giúp cho Trọng tài luôn soi xét lại mình trong việc thực thi nhiệm vụ.

0965996583