Lựa chọn luật áp dụng trong trọng tài thương mại quốc tế

05/01/2024
Việc lựa chọn luật áp dụng trong trọng tài thương mại quốc tế có thể tác động đáng kể đến kết quả của tranh chấp, vì nó chi phối các vấn đề như hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, quyền và nghĩa vụ thực chất của các bên và việc thi hành phán quyết trọng tài. Vì vậy, các bên cần cân nhắc kỹ lưỡng và xác định rõ ràng luật áp dụng trong thỏa thuận trọng tài để đảm bảo quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra hiệu quả và có thể dự đoán được.

Tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng kinh doanh, thương mại thường rất đa dạng. Đó có thể là tranh chấp liên quan đến năng lực chủ thể, đến quyền và nghĩa vụ của các bên, đến việc áp dụng các chế tài đối với hành vi vi phạm… Chính sự đa dạng của nội dung tranh chấp có thể dẫn tới sự đa dạng của các nguồn luật cần được áp dụng. Hiện nay, đa số các quốc gia cho phép các bên được quyền lựa chọn áp dụng đối với hợp đồng quốc tế. Ở Việt Nam, Điều 683 BLDS quy định rõ quyền này. Khi các bên thực hiện việc lựa chọn pháp luật một cách hợp pháp thì trọng tài sẽ phải áp dụng pháp luật đó. Tuy nhiên, ngay cả khi các bên đã lựa chọn pháp luật áp dụng thì không phải mọi vấn đề về luật áp dụng đều đã được giải quyết.

1. Luật mà các bên lựa chọn

Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là một quy định quan trọng về luật áp dụng giải quyết tranh chấp. Nhà làm luật đã phân chia ra hai trường hợp; theo đó, đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp (khoản 1). Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất (khoản 2). Trong phần tiếp theo đây, chúng tôi sẽ không bàn đến khoản 1 mà chỉ bàn đến một nội dung của khoản 2, tức là trường hợp các bên đã lựa chọn pháp luật nước ngoài (trường hợp các bên không lựa chọn sẽ được nghiên cứu trong phần sau).

Vì khoản 2 nhắc đến khái niệm “pháp luật” [mà các bên lựa chọn], nhưng không làm rõ khái niệm đó hàm chứa nội dung gì, có bao gồm luật quốc tế mà quốc gia đã ký kết, gia nhập không? Điều này sẽ đặt ra khó khăn khi các bên trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế lựa chọn, chẳng hạn pháp luật Việt Nam. Câu hỏi mà trọng tài cần phải giải quyết sẽ là pháp luật Việt Nam có bao gồm Công ước Viên 1980 (CISG) hay không? Khái niệm “pháp luật” như được quy định tại khoản 2 cũng không cho biết có bao gồm các nguyên tắc pháp luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi và các luật mẫu hay không? Khi đó sẽ khó khăn đối với trọng tài khi mà các bên lựa chọn, chẳng hạn Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng làm nguồn luật điều chỉnh của mình. Khảo sát pháp luật trọng tài ở một số nước cho thấy, một khái niệm rất rộng thường được sử dụng là “các quy tắc pháp luật” (les règles de droit). Việc sử dụng khái niệm “các quy tắc pháp luật” cho phép trọng tài diễn giải bao gồm cả luật quốc gia, luật quốc tế, các nguồn luật mềm và các bộ nguyên tắc

Một câu hỏi nữa mà chúng ta cần trả lời, đó là pháp luật quốc gia mà các bên lựa chọn có bao gồm quy phạm xung đột hay không, tức là có chấp nhận dẫn chiếu hay không? Nếu như tranh chấp được giải quyết bằng tòa án Việt Nam thì thẩm phán có thể dựa vào Điều 668 để không chấp nhận dẫn chiếu. Cụ thể, theo khoản 4 Điều này, pháp luật mà các bên lựa chọn chỉ bao gồm quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng. Tuy nhiên, trọng tài không có một hệ thống pháp luật để dựa vào như tòa án (lex fori).  Theo chúng tôi, vấn đề này phải được giải quyết bởi chính luật của nước mà các bên lựa chọn. Nói cách khác, khi các bên đã lựa chọn pháp luật của nước A thì trọng tài sẽ phải căn cứ vào chính pháp luật của nước A đó để biết pháp luật nước A có chấp nhận dẫn chiếu hay không chấp nhận dẫn chiếu.

Một vấn đề cuối cùng mà trọng tài có thể phải giải quyết, đó là trường hợp các bên lựa chọn pháp luật của một nước, nhưng khi áp dụng pháp luật nước đó thì dẫn tới hậu quả là hợp đồng của các bên bị vô hiệu và bản thân thỏa thuận lựa chọn pháp luật nằm trong đó cũng vô hiệu theo. Khi thoả thuận lựa chọn luật không có giá trị thì không thể áp dụng pháp luật của nước mà điều khoản đó chỉ định. Việc không áp dụng luật do các bên lựa chọn, rất có thể hợp đồng lại có hiệu lực theo pháp luật của một nước khác. Để tránh rơi vào nghịch lý này, pháp luật cần quy định thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng độc lập với hợp đồng. Nói cách khác, hiệu lực của thoả thuận lựa chọn pháp luật không phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng.

2. Luật do hội đồng trọng tài xác định

Trong thực tế có khả năng xảy ra tình huống các bên không biết mình có quyền, hoặc biết nhưng không thực hiện quyền lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng của mình. Do vậy, để giải quyết tranh chấp, trọng tài phải áp dụng luật (theo nghĩa rộng), trong trường hợp này, đó sẽ là luật nào? Một nghiên cứu so sánh luật cho biết, trên thế giới hiện nay tồn tại hai phương pháp, đó là phương pháp gián tiếp, thông qua việc sử dụng quy phạm tư pháp quốc tế và phương pháp trực tiếp trao quyền cho hội đồng trọng tài xác định luật áp dụng.

2.1. Phương pháp gián tiếp

Những nước sử dụng phương pháp gián tiếp lại có thể chia làm hai nhóm, đó là:a) nhóm những nước quy định cho phép trọng tài tự do xác định quy phạm tư pháp quốc tế cần áp dụng để xác định luật áp dụng; và b) nhóm những nước quy định nguyên tắc về loại quy phạm tư pháp quốc tế nào mà hội đồng trọng tài cần phải áp dụng để xác định luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp.

  • Quy phạm tư pháp quốc tế mà trọng tài cho là phù hợp nhất

Theo cách thức này, trọng tài phải áp dụng quy phạm xung đột, nhưng có sự tự do lớn trong việc áp dụng quy phạm xung đột cụ thể nào để xác định luật áp dụng. Giải pháp này được quy định trong một số văn kiện quốc tế cũng như trong một số quy tắc tố tụng của một số trung tâm trọng tài. Khi đó vấn đề đặt ra là: thế nào quy phạm tư pháp quốc tế phù hợp nhất? Liệu có các phương pháp để xác định quy phạm đó không? Trước đây một số quốc gia quy định trọng tài áp dụng cách thức giải quyết xung đột trong pháp luật của nước nơi có trung tâm trọng tài. Phương pháp này có nhược điểm lớn bởi nó buộc trọng tài phải áp dụng luật quốc gia nơi có địa điểm trọng tài, trong khi trong thực tế địa điểm trọng tài được lựa chọn không phải vì các bên muốn lựa chọn luật của nước đó mà chỉ bởi sự thuận tiện của các bên mà thôi. Ngoài ra, bản chất của trọng tài quốc tế là không chịu sự ràng buộc của một hệ thống pháp luật của một quốc gia cụ thể nào. Nguyên tắc này thường chỉ được áp dụng trước những năm 1960. Tuy nhiên, hiện nay, lex loci arbitri vẫn tiếp tục được áp dụng tại ít nhất ba trung tâm trọng tài thuộc phòng thương mại Zürich, phòng thương mại Hunggary và Tòa trọng tài quốc tế Riga. Quy định này cũng tồn tại tại trong một số luật quốc gia như Costa Rica, Cộng hòa Séc, Estonia, Malta và Yemen. Ngoài ra, một số nước có quy định trọng tài phải áp dụng đồng thời các quy phạm xung đột của các quốc gia có liên quan, so sánh chúng với nhau để tìm ra một nguồn luật phù hợp nhất để áp dụng đối với nội dung tranh chấp. Đây là một quy định đòi hỏi sự cố gắng rất lớn đối với trọng tài và chỉ thực sự hiệu quả khi mà các quy phạm xung đột quy định giải pháp giống nhau. 

  • Buộc áp dụng quy phạm xung đột

Cách thức thứ hai này hạn chế sự tự do lựa chọn của trọng tài vì họ buộc phải sử dụng một quy phạm xung đột cụ thể. Đó là trường hợp luật trọng tài Croatia, Ai Cập, Đức, Nhật Bản, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ: Luật áp dụng là luật có mối quan hệ gắn bó nhất. Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế thuộc phòng thương mại Milan, Viện trọng tài thương mại Đức và một số trung tâm trọng tài khác cũng quy định tương tự. Mối quan hệ gắn bó nhất có thể là luật của nước nơi bên phải thực hiện nghĩa vụ chính cư trú, luật nơi giao kết hợp đồng, luật nơi thực hiện hợp đồng... Luật của Hoa Kỳ cũng quy định tương tự: luật áp dụng là luật gắn bó nhất. Sau đó luật đưa ra một danh sách để giới hạn các trường hợp được cho là có mối quan hệ gắn bó nhất mà trọng tài phải sử dụng để xác định luật áp dụng.

2.2. Phương pháp trực tiếp

Phương pháp này trao quyền cho hội đồng trọng tài xét xử vụ tranh chấp tự mình xác định luật hoặc các quy tắc pháp luật mà mình cho là phù hợp nhất mà không cần dựa vào quy phạm xung đột. Sự hợp lý này không nhất thiết phải được xác định dựa vào các hệ thuộc luật của tư pháp quốc tế (như luật quốc tịch, luật nơi giao kết, luật nơi thực hiện hành vi…) hay luật gắn bó nhất[26]. Pháp luật Pháp đi theo hướng này và trao quyền rất lớn cho trọng tài (Điều 1496 Bộ luật Tố tụng dân sự). Theo pháp luật Pháp, trọng tài không phải áp dụng các quy pham xung đột của nước nơi có trụ sở trọng tài, hay của nước nơi có địa điểm trọng tài. Trong thực tế, trọng tài có thể sử dụng quy phạm xung đột nào đó nhưng không có nghĩa vụ nêu căn cứ về việc sử dụng quy phạm xung đột đó để xác định luật áp dụng. Nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam cũng đi theo hướng này. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại, “nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất”. Luật không có quy định chi tiết hơn về căn cứ mà hội đồng trọng tài phải dựa vào để xác định sự phù hợp nhất của nguồn luật mà trọng tài lựa chọn áp dụng để giải quyết nội dung tranh chấp. Quy định này trao sự tự do rất lớn cho trọng tài, nhưng có nhược điểm là làm giảm tính khả đoán của các bên khi tham gia kinh doanh, thương mại, bởi họ sẽ không thể đoán định được đâu sẽ là nguồn luật mà hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất. Nếu so với phương pháp xung đột; trong đó các bên có khả năng dự báo được, thì rõ ràng đây là một nhược điểm. Tuy nhiên, vẫn phải thấy rằng phương pháp xung đột cũng không phù hợp với xu thế phát triển của pháp luật trọng tài hiện nay trên thế giới.



Bài viết liên quan
Ưu điểm và nhược điểm của các quy định về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam
20/01/2024
Tại Việt Nam, pháp luật điều chỉnh về trọng tài thương mại – những cơ sở pháp lý cơ bản để thiết lập và phát triển phương thức giải quyết bằng trọng tài, đang từng bước được hoàn thiện, hướng tới xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nội dung tham luận dưới đây góp phần làm rõ thực trạng pháp luật trọng tài hiện nay, trước hết là pháp luật về thực thi phán quyết trọng tài ở Việt Nam.
Điều kiện và thủ tục thi hành phán quyết trọng tài của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
19/01/2024
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu hóa và giao lưu thương mại, nhu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam cũng bắt đầu tăng theo. Các vấn đề pháp lý liên quan đến công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Địa Điểm Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài
18/01/2024
Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không nhất thiết phải là nơi sẽ tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp, kể cả nơi tổ chức phiên họp ra phán quyết.
Quy trình và thủ tục cần thiết để thi hành phán quyết trọng tài ở Việt Nam
18/01/2024
Với những ưu việt của thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài Thương mại, ngày càng có nhiều chủ thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng con đường Trọng tài. Theo đó ngày càng nhiều phán quyết Trọng tài được đưa ra thi hành.
Thẩm quyền giữa trung tâm trọng tài và hội đồng trọng tài trong quá trình tố tụng được phân định như thế nào?
17/01/2024
Trung tâm Trọng tài và Hội đồng Trọng tài do Trung tâm thành lập là hai thực thể khác nhau và giữ vai trò khác nhau trong quá trình tố tụng trọng tài. Vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của hai thực thể này được qui định trong Luật TT. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, không ít các vấn đề nảy sinh chưa có được cách xử lý thống nhất. Trước khi tìm hiểu về cách xử lý, hãy phân tích thẩm quyền của hai thực thể này về mặt lý luận.
Vai trò của Tòa án trong việc giám sát, kiểm tra Trọng tài
06/01/2024
Vai trò của Tòa án đối với Trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ở Việt Nam là một vấn đề quan trọng để xác định vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Tòa án với Trọng tài, từ đó phân định được thẩm quyền xét xử của Tòa án và Trọng tài, đảm bảo không có sự lạm dụng “quyền lực công” của Tòa án mà lấn át “quyền lực tư” của Trọng tài; mặt khác, giúp cho Trọng tài luôn soi xét lại mình trong việc thực thi nhiệm vụ.

0965996583