Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại

22/01/2024
Ngày 24 tháng 02 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Theo đó, Nghị định này quy định về phạm vi, nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại.

1. Hòa giải thương mại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017NĐ-CP quy định về khái niệm hòa giải thương mại cụ thể như sau: “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này”.

Theo quy định hiện hành, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong hoà giải thương mại tại Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP bao gồm: Các bên tranh chấp tham gia hoà giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ; các thông tin liên quan đến vụ việc hoà giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp có thoả thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; nội dung thoả thuận hoà giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được quy định tại Điều 6 Nghị định 22/2017NĐ-CP cụ thể như sau:”Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp”.Theo đó, các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

2. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại

Theo quy định hiện hành, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong hoà giải thương mại tại Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP bao gồm: Các bên tranh chấp tham gia hoà giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ; các thông tin liên quan đến vụ việc hoà giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp có thoả thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; nội dung thoả thuận hoà giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

Việt Nam chọn cách quy định cụ thể các nguyên tắc trong một điều luật, điều này khá khác biệt với xu hướng quy định pháp luật về hoà giải thương mại của một số quốc gia như CHLB Đức hay Singapore. Trong mối tương quan so sánh với Luật hoà giải CHLB Đức 2012 thì có thể thấy rằng, nước này không thiết kế các điều luật cụ thể về nguyên tắc cơ bản của hoà giải mà các nguyên tắc được tích hợp thể hiện trong Điều 1 về định nghĩa hoà giải: “(1) Hoà giải là một thủ tục bí mật và có trình tự mà ở đó các bên cố gắng, dựa trên nguyên tắc tự nguyện và tự quyết, để đạt được một thoả thuận về tranh chấp với sự trợ giúp của một hoặc nhiều hoà giải viên; (2) Hoà giải viên là người hướng dẫn, trợ giúp các bên giải quyết vụ tranh chấp, với tư cách độc lập và trung lập, không đưa ra bất kỳ quyết định nào mang tính ép buộc.” Mặc dù không có cách quy định mang tính tích hợp như CHLB Đức, nhưng trong Nghị định 22/2017/NĐ-CP của Việt Nam cũng có ghi nhận, tuy không rõ ràng về các nguyên tắc chung của hoà giải thương mại, bao gồm các nguyên tắc:

2.1. Nguyên tắc tự nguyện

Nguyên tắc tự nguyện là một nguyên tắc cơ bản của các phương pháp giải quyết tranh chấp ngoài Toà án nói chung. Đối với hoà giải thương mại, nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong hệ thống lý luận và pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như được pháp luật Việt Nam ghi nhận như là một nguyên tắc đầu tiên của hoà giải, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Nguyên tắc này thể hiện ở hai phương diện: Việc sử dụng phương thức hoà giải phải dựa trên cơ sở các bên lựa chọn bằng một thoả thuận tự nguyện, việc tham gia giải quyết tranh chấp của hoà giải viên thương mại cũng phải dựa trên sự tự nguyện. Thoả thuận về việc sử dụng hoà giải thương mại và hợp đồng hoà giải giữa các bên tranh chấp với hoà giải viên là hai điều kiện cần và đủ để có thể giải quyết tranh chấp bằng phương thức này. Hơn nữa, nguyên tắc tự nguyện cũng cần phải được tôn trọng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp bằng hoà giải. Nguyên tắc tự nguyện trong hoà giải còn được thể hiện rõ nét hơn phương thức trọng tài ở chỗ, khi sử dụng phương thức hoà giải để giải quyết tranh chấp, các bên sẽ được tôn trọng ý chí một cách khá tuyệt đối, không bị ràng buộc (non-biding). Theo Bộ quy tắc đạo đức của hoà giải viên của Liên minh Châu Âu (European Code of Conduct for Mediators), nguyên tắc tự nguyện trong hoà giải sẽ cho phép “các bên được quyền rút khỏi vụ tranh chấp bất kỳ lúc nào mà không cần đưa ra các lý lẽ và sự chứng minh”

Tương tự, pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận nếu một trong các bên có đề nghị, thủ tục hoà giải cũng sẽ chấm dứt (Khoản 3 Điều 17 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ). Nguyên tắc tự nguyện mang lại ưu điểm là tính “chủ động” cho các bên tranh chấp, không bị ràng buộc cứng nhắc như Toà án, tuy nhiên cũng chính nguyên tắc này sẽ khiến vụ việc hoà giải có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào nếu các bên tranh chấp cũng như hoà giải viên không duy trì được một môi trường thân thiện, tinh thần thiện chí.

2.2. Nguyên tắc tự quyết

Nguyên tắc tự quyết có nghĩa rằng khi tham gia vào quá trình hoà giải, hoà giải viên cũng không được áp đặt các bên phải tuân theo một thủ tục trình tự nhất định hay phải tuân theo một giải pháp mà hoà giải viên chọn lựa. Ngoài ra, xuất phát từ bản chất là phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, các bên cũng không bị ràng buộc bởi các quyết định mang tính cưỡng chế của Nhà nước trong quá trình hoà giải. Nguyên tắc này cũng thể hiện tính chất “không ràng buộc” của cơ chế hoà giải. Theo đó, khi các bên lựa chọn một phương thức giải quyết không ràng buộc (non-biding) như hoà giải thì bên thứ ba không thể ép buộc các bên chấp nhận bất kỳ một thoả thuận nào, mà chỉ khi các bên đồng ý thì đó mới được coi là kết quả. Khi đó, họ mới bị ràng buộc bởi những thoả thuận chung và các kết quả này sẽ cấu thành các nghĩa vụ hợp đồng có thể có tính cưỡng chế từ Toà án như một hợp đồng hoặc như một bản án. Cần lưu ý rằng, việc các bên thoả thuận trong hoạt động hoà giải cần đảm bảo tính hợp pháp, nội dung không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba (Khoản 3 Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Nguyên tắc tự quyết là nguyên tắc phản ánh rất rõ sự khác biệt giữa phương thức giải quyết tranh chấp hoà giải thương mại với trọng tài thương mại. Dù cùng là những phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn ngoài Toà án, nhưng ở trọng tài, các bên vẫn bị chi phối bởi ý chí và quyết định của Hội đồng trọng tài, phán quyết của Hội đồng trọng tài sẽ là phương án cuối cùng được đưa ra một cách hợp pháp có giá trị thi hành. Tuy nhiên, đối với hoà giải thương mại, với vai trò của bên trợ giúp, hoà giải viên chỉ là bên trung gian giúp đỡ các bên tự đạt được một thoả thuận cuối cùng, mà không ra bất cứ quyết định hay phán quyết nào thay cho các bên. Các bên sẽ được tự định đoạt vụ tranh chấp của mình, hoà giải viên không được can thiệp bằng bất cứ quyết định nào. Hơn nữa, hoà giải viên cũng không được đưa ra bất kỳ quyết định nào mang tính quyền lực, mà chỉ trợ giúp, hướng dẫn các bên. Trong phần quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp, pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận rất rõ nguyên tắc này như các bên có quyền “đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải; được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải” (Điểm b, điểm d khoản 1 Điều 13 Nghị định 22/2017/NĐ-CP)

2.3. Nguyên tắc bảo mật

Đây là một nguyên tắc nhằm bảo vệ lợi ích của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Nguyên tắc bảo mật là một nguyên tắc cơ bản và quan trọng, được ghi nhận tại các nguồn luật như Luật mẫu về hoà giải của Mỹ (Phần 8); Chỉ thị số 2008/52/EC của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu về hoà giải trong dân sự và thương mại (Điều 7); Luật mẫu UNCITRAL về hoà giải (Điều 9 Luật mẫu 2002; Điều 10 Luật mẫu sửa đổi 2018). Khi mà các bên tranh chấp đã sử dụng đến các phương thức giải quyết ngoài Toà án nói chung, hoà giải thương mại nói riêng, thì một trong các mục tiêu của thương nhân là việc giải quyết được tranh chấp một cách ổn thoả và kín đáo nhất. Do đó, bảo mật thông tin hoà giải thương mại cũng chính là nguyên tắc để bảo vệ “niềm tin” mà các bên đã trao cho các hoà giải viên. Mặc dù nguyên tắc bảo mật có vai trò rất quan trọng trong hoà giải thương mại nhưng cho đến nay khái niệm về nguyên tắc này cũng chưa thực sự có sự thống nhất. Có thể hiểu “bảo mật có thể là việc giữ bí mật những thông tin được trao đổi trong quá trình hoà giải, cũng có thể được hiểu là việc xây dựng, duy trì mối quan hệ đặc biệt giữa hoà giải viên với các bên tranh chấp

Do đó, phạm vi của nguyên tắc bảo mật không chỉ bao gồm nghĩa vụ của các bên tranh chấp mà còn bao gồm cả nghĩa vụ của hoà giải viên về việc bảo mật thông tin vụ tranh chấp cũng như các thông tin khác biết được khi tham gia vào quá trình hoà giải. Chính vì lẽ đó, nguyên tắc bảo mật không chỉ được quy định trong pháp luật và còn có thể được quy định dưới dạng một nội dung trong Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của hoà giải viên. Các bên tham gia vào vụ tranh chấp có nghĩa vụ giữ kín các thông tin có được khi tham gia vào vụ tranh chấp. Trong mối quan hệ so sánh với nguyên tắc bảo mật trong trọng tài thì nguyên tắc bảo mật trong hoà giải cần phải được quy định chặt chẽ hơn. Đối với trọng tài, nguyên tắc bảo mật chỉ được đặt ra giữa các thành phần tham gia tố tụng với các thành phần bên ngoài tố tụng, tuy nhiên trong vụ tranh chấp thì các thông tin cần được công khai để đảm bảo vụ tranh chấp được xét xử minh bạch, công bằng với đầy đủ chứng cứ, tài liệu. Đối với hoà giải thương mại, tính bảo mật được xem xét ở nhiều cấp độ như chế độ bảo mật nội bộ và chế bộ bảo mật đối với bên ngoài; chế độ bảo mật trong thủ tục hoà giải và sau thủ tục hoà giải.

2.4. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp linh hoạt và hiệu quả

Điểm nổi bật chung của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án là sự mềm dẻo. Theo đó, các bên tự do trong việc quyết định tổ chức nào hay người nào sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp, hay quyết định thủ tục nào sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, mức độ linh hoạt trong hoà giải cao hơn so với tục trọng tài. Bởi lẽ hoà giải còn có nguyên tắc tự quyết, mọi quyết định sẽ thuộc về các bên tranh chấp, hoà giải viên chỉ là bên hỗ trợ và tư vấn. Còn ở trọng tài thương mại, trọng tài viên được trao những quyền hạn nhất định theo pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp và đưa ra phán quyết cuối cùng. Nội dung của nguyên tắc thể hiện ở môt số điểm cơ bản như: Thủ tục linh hoạt, phương pháp giải quyết mềm dẻo, phương án giải quyết dựa trên lợi ích các bên (interest-based). Một trong những điểm nổi bật của việc giải quyết tranh chấp bằng hoà giải đó là hoà giải viên không chỉ tập trung giải quyết tranh chấp trên cơ sở pháp luật mà hoà giải viên cần tìm ra những mâu thuẫn và các giải pháp nhằm thoả mãn lợi ích các bên, hướng các bên đến một kết quả có lợi nhất cho đôi bên. Do đó, việc giải quyết tranh chấp bằng hoà giải không thể cứng nhắc, mà hoà giải viên và các bên cần có thái độ thiện chí, hợp tác với nhau. Cũng chính vì vậy, quy trình thủ tục hoà giải thường được pháp luật quy định khá đơn giản, không quá cụ thể mà để các bên hoặc chủ thể hoà giải tự quyết định.

2.5. Nguyên tắc trung lập, bình đẳng và công bằng

Ba yếu tố này có liên quan mật thiết với nhau, để chỉ vị trí và thái độ của người giải quyết tranh chấp đối với các bên tranh chấp. Trung lập tức là hoà giải viên phải đứng ở vị trí trung gian, độc lập với các bên; bình đẳng tức là vị trí của các bên tranh chấp và bên giải quyết tranh chấp, vị trí giữa các bên tranh chấp là ngang nhau, không có sự phân biệt đối xử; công bằng tức là đảm bảo không thiên về lợi ích của bên nào. Khoản 1 Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP có ghi nhận về việc các bên tranh chấp tham gia hoà giải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không trực tiếp nhắc đến nguyên tắc công bằng. Nguyên tắc trung lập lại không được nhắc đến tại điều khoản này, mà được nhắc đến trong nghĩa vụ của hoà giải viên thương mại về việc phải “độc lập, vô tư, khách quan, trung thực” (Điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ). Người giải quyết tranh chấp phải đảm bảo sự trung lập, công bằng cho các bên, mà thực chất là sự “bình đẳng về quyền và nghĩa vụ” (Khoản 1 Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ). Hoà giải viên là bên trung gian, không giống như luật sư là đại diện cho một chủ thể nhất định trong vụ tranh chấp. Tính trung lập, công bằng được thể hiện ở thái độ, hành vi của hoà giải viên không được thiên vị hay tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bất kỳ bên nào trong quá trình giải quyết tranh chấp. Nếu hoà giải viên có những lợi ích hoặc mối quan hệ liên quan có khả năng ảnh hưởng tới nguyên tắc này thì hoà giải viên phải thông báo cho các bên tranh chấp trước khi tiến hành hoặc tiếp tục giải quyết tranh chấp và có thể sẽ không thể đảm nhiệm việc giải quyết tranh chấp.Để cụ thể hoá nguyên tắc này, theo quy định hiện hành của Việt Nam, hoà giải viên không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điểm đ khoản 2 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ).



Bài viết liên quan
Quy trình tiến hành một cuộc hòa giải
20/01/2024
Với vị trí và vai trò quan trọng đó, hòa giải ở cơ sở từ chỗ là một hoạt động mang tính chất tự phát trong nội bộ nhân dân đã trở thành hoạt động của một tổ chức quần chúng được Nhà nước thừa nhận. Để nâng cao kiến thức về hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên và Nhân dân trên địa bàn quận, VICAC tóm tắt một số nội dung các bước tiến hành hòa giải phục vụ cho công tác hòa giải cơ sở.

0965996583